Bạn có nghĩ rằng việc thay đổi chất lượng sản phẩm, làm ứng dụng phù hợp với user còn giúp tăng trưởng ứng dụng mạnh hơn cả scale app bằng quảng cáo?

Đối với nhiều người đã và đang phát triển app, thì những chủ đề như làm thế nào để marketing app hiệu quả, scale app bằng ads ra sao,… đang rất được quan tâm. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nhận ra rằng, chất lượng sản phẩm và việc thay đổi ứng dụng để phù hợp với user cũng là một yếu tố quan trọng giúp app của bạn tăng trưởng đến ngoạn mục?

Trong bài viết này, bạn cũng sẽ được tận mắt chứng kiến hành trình tăng trưởng của ứng dụng Note thông qua 2 lần Big Update và bỏ quảng cáo Splash, cũng như thêm những tính năng phù hợp với người dùng, thay vì chỉ cố gắng đẩy mạnh quảng cáo. Liệu rằng team có đang đi ngược lại với cách làm truyền thống để khác biệt? 

Ứng dụng Note

Phần 1: hành trình 2 lần Big Update để tạo ra sự thay đổi doanh thu ngoạn mục: Tăng từ 900$/ tháng lên tới 30.000$/ tháng

Nói sơ qua về ứng dụng Note, cách đây 3 năm, doanh thu của app là hơn 900$/ tháng, user đa phần đến từ quảng cáo, retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) chỉ khoảng 18-20%. Với một số nhà phát triển app, khi được nghe về những thông số kể trên, có lẽ sẽ đánh giá đây chưa phải là một ứng dụng tiềm năng.

Khi được nhận app Note, ngay lập tức, team đã ngồi lại và cùng nhau thảo luận. Kết luận được đưa ra là app Note đang gặp phải 2 vấn đề chính

Vấn đề 1: UI và UX của ứng dụng không đồng bộ

Một đặc điểm của ứng dụng Note cần phải nhắc tới, chính là app đã từng được rất nhiều team/ cá nhân quản lý và phát triển. Mỗi cá nhân/ team sẽ có 1 design theo sát, và thiết kế những màn, tính năng mà người phát triển app mong muốn. Mỗi design lại có những “màu sắc” rất riêng. Có người thích phong cách thiết kế 3D, có người lại mang vào app một chút phong cách hiện đại,… 

Vậy nên, khi nhìn vào, có thể nhận thấy ngay rằng phong cách thiết kế của ứng dụng Note đang không được đồng nhất, không có style rõ ràng. Chưa kể, màu sắc trong app không đẹp, các nút bị thô, làm theo phong cách thiết kế cũ. 

Vậy nên, team xác định rằng UI-UX là những yếu tố cần phải cải thiện. Điều này vừa giúp cho ứng dụng trở nên chuyên nghiệp và đồng bộ hơn, vừa giúp trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, cải thiện tỷ lệ gỡ app.

Tuy nhiên, việc chỉ cải thiện một vài phần trong UI/UX sẽ khiến ứng dụng có nguy cơ trở nên chắp vá hơn. Vậy nên team quyết định thiết kế lại toàn bộ app theo hướng hiện đại, giúp ứng dụng có tính đồng nhất. Việc thiết kế lại giao diện được team coi là một task gấp, cần phải thực hiện ngay để Big Update.

So sánh giữa giao diện cũ và mới của Note

Vấn đề 2: Lỗi đồng bộ trên các thiết bị

Note là một ứng dụng mà người dùng sẽ có yêu cầu khá cao về chức năng đồng bộ vì dữ liệu cần phải được đồng bộ liên tục để tránh việc mất các note quan trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ứng dụng đang bị lỗi nặng ở tính năng đồng bộ, khiến nhiều user rất bức xúc

Vậy nên, team xác định được rằng khi fix được lỗi này sẽ cải thiện rất nhiều, cả về rate ứng dụng, retention và cả trải nghiệm người dùng. 

Tuy nhiên, khi kiểm tra lại code, tương tự với design, ứng dụng này cũng đã được chỉnh sửa qua khá nhiều dev, code bị lằng nhằng, để tìm ra ứng dụng bị lỗi chỗ nào thì rất phức tạp, mất thời gian mà còn chưa chắc đã triệt để. Vậy nên, để tiết kiệm thời gian, công sức và giải quyết triệt để vấn đề, thì DEV đã quyết định code lại ứng dụng từ đầu chứ không tìm cách chắp vá, thay thế. Như vậy, việc update về công nghệ được coi là Big Update thứ 2 mà team dành cho ứng dụng Note

Lỗi đồng bộ trên Note

Kết quả sau 2 lần Big Update

Khi gặp phải tình huống như Note – một app vẫn đang có doanh thu đều (900$/ tháng), với những tính năng cơ bản chạy được, thì nhà phát triển hoàn toàn có thể chọn giải pháp cải thiện từng phần, để tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Chưa kể, team cầm app thời điểm đó chỉ có 3 thành viên tương ứng với 3 vai trò: Product Owner (phát triển và marketing app), Designer và DEV, lại cầm nhiều app chứ không chỉ riêng Note, nên việc làm 2 Big Update cho 1 app cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng vì cần sự đầu tư rất lớn.

Vậy nên, việc Big Update này cho thấy team đã nghiên cứu rất kĩ về tiềm năng của app, cũng như đặt mình vào vị trí của user, mong muốn user được sử dụng một sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ từ thiết kế cho đến công nghệ, không chắp vá. Và không phụ sự cố gắng ấy, kết quả 2 lần Big Update cũng rất mỹ mãn khi sau 5 tháng:

  • Doanh thu của ứng dụng tăng trưởng mạnh: Từ 900$/ tháng, thì sau 5 tháng, doanh thu của Note đã đạt mức 30.000$/ tháng, tăng trưởng gấp 33 lần!
  • Retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) tốt hơn rất nhiều, tăng từ 18-20% lên tới 30%
  • Việc chạy quảng cáo và scale app cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy giá thầu của ứng dụng không giảm, các thị trường được lựa chọn để chạy gần như giữ nguyên, nhưng tỷ lệ cắn tiền và về tiền của ứng dụng lại tốt hơn rất nhiều. Chỉ cần căn cứ vào retention D1 tăng hơn 10% đã đủ để chắc chắn rằng LTV (LifeTime Value – giá trị người dùng) tăng mạnh. Việc ứng dụng sửa được lỗi cũng giúp Google đánh giá app cao hơn, việc làm ASO (để có được traffic organic) cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Đó chính là những cơ sở để app có thể scale tốt hơn. 
  • Chưa kể, tỷ lệ gỡ cũng giảm đáng kể. Song hành với đó là rate ứng dụng tăng lên. 

Tuy nhiên, sự cải tiến của app Note chưa hề dừng lại ở đó. Trong phần tiếp theo, Eco Mobile sẽ cho bạn thấy một case study khá lạ: Bỏ quảng cáo Splash để… tăng doanh thu!

Phần 2: Khác biệt để thành công – Loại bỏ quảng cáo Splash để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng

  1. Thử nghiệm tính năng Shortcut

Note được sinh ra với chức năng là note những ý tưởng lóe lên trong đầu, ghi lại những sự kiện để tránh quên, ghi nhanh một thông tin hữu ích,… Vậy nên, người dùng Note rất cần sự nhanh chóng. 

Đối với Note phiên bản cũ và đa phần các app trên thị trường, thì sau khi người dùng ấn vào icon app, thường sẽ hiển thị quảng cáo Splash (quảng cáo toàn màn hình khi vào ứng dụng) rồi mới tới màn main và ghi chú.

Với người dùng, họ muốn khi ấn vào icon app sẽ vào ngay màn note để có thể note ngay lập tức. Tuy nhiên, ứng dụng của Eco Mobile chưa đáp ứng được điều đó, và phần nhiều ứng dụng của đối thủ cũng chưa làm được. 

Vậy nên, để khác biệt với đa số người dùng, các nhà phát triển của Eco Mobile đã làm thêm tính năng shortcut cho ứng dụng là Dynamic shortcuts và Static shortcuts, giúp người dùng có thể ghi chú ngay lập tức trong màn ghi chú mà không cần phải đi qua màn Splash và màn Main hay thao tác nhiều lần. 

2. Thử nghiệm bỏ Splash

Tuy nhiên, sau 1 thời gian thử nghiệm shortcut thì không được như kỳ vọng vì người dùng không sử dụng tính năng này quá nhiều. Vậy nên, có thể xác định rằng cản trở lớn nhất của người dùng chính là quảng cáo Splash. 

Từ đó, team tiếp tục tracking và nhận ra rằng: Thông thường, 1 user vào ứng dụng Note sẽ viết 3.23 note. Vậy nên, nếu cho hiển thị quảng cáo sau 3 lần note thì user vẫn sẽ nhìn thấy quảng cáo ít nhất 1 lần. Điều này hoàn toàn tương tự với hiệu quả quảng cáo Splash, mà lại giúp user vào được màn ghi chú nhanh nhất. 

Ngay sau khi có được kết quả nghiên cứu như trên, team đã bắt tay vào thử nghiệm. Team sử dụng Firebase để A/B testing giữa 2 trải nghiệm quảng cáo: 

  1. Trải nghiệm hiện có: Người dùng cần đi qua màn Splash, xem quảng cáo rồi mới vào tới màn Main và cuối cùng là màn Ghi Chú 

So sánh với:

  1. Trải nghiệm mới: người dùng đi qua màn Splash (cực nhanh) là đã vào tới màn Main rồi truy cập vào Ghi chú. Sau đó, họ ghi chú tới lần thứ 3 thì mới hiển thị quảng cáo. Điều này được thiết lập dựa trên tính toán trung bình 1 phiên 1 user sẽ vào màn ghi chú 3,26 lần 

Một điểm cộng của quảng cáo này chính là quảng cáo xuất hiện khi người dùng đã hoàn thành xong task, và cảm giác với quảng cáo sẽ bớt khó chịu hơn quảng cáo khi được đặt ở splash. Chưa kể, điều này hoàn toàn giải quyết được việc “muốn note nhanh” khi vào ứng dụng của người dùng

Luồng mới không có quảng cáo Splash của ứng dụng

Kết quả sau khi thử nghiệm Shortcut và bỏ quảng cáo Splash

Quảng cáo Splash luôn là một trong những quảng cáo mang lại doanh thu lớn nhất cho các app. Vậy nên, cho dù hiểu được rằng quảng cáo này sẽ gây cản trở và giảm trải nghiệm người dùng trong app nhưng rất ít nhà phát triển dám bỏ quảng cáo Splash đi vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Tuy nhiên, ví dụ này cũng sẽ cho thấy rằng việc bỏ Splash đúng không những không giảm doanh thu, mà thậm chí còn là một cách tăng trưởng doanh thu bền vững và hiệu quả.

Như đã nói ở trên, team sử dụng Firebase A/B testing, kết quả của thử nghiệm như sau:

  1. Về doanh thu: Ban đầu, doanh thu của luồng mới (bỏ Splash) có thấp hơn một chút, nhưng qua thời gian thì con số này là 29.652,03$ so với 29.043,62$ (gần như không có biến động nhiều) 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, thì doanh thu đã đạt 41.022,48$/ tháng

Doanh thu ứng dụng Note thời điểm hiện tại

Để hiểu tại sao doanh thu lại tăng trưởng dương 41% , hãy theo dõi cả những chỉ số sau: 

  1. DAU (Daily Active User – người dùng hàng ngày) tăng: từ 250.000 user lên 430.000 user
  2. MAU(Monthly Active User – người dùng hàng tháng) tăng: từ 2.100.000 user lên 2.800.000 user
  3. Thời gian sử dụng phiên: gần như không thay đổi dao động từ 4p30-5p00
  4. Retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) tăng: từ 34% lên 43%
  5. LTV (LifeTime Value) tăng: từ 0,021$ lên 0,027$/user trong 28 ngày
Số liệu về người dùng
Số liệu về retention

Như vậy, cho dù quảng cáo Splash đã mất đi, nhưng có thể thấy được tất cả các chỉ số, đặc biệt là Retention, DAU và LTV đều có sự tăng đáng kể. Điều này cho thấy người dùng giữ app lâu hơn, sử dụng app nhiều hơn, nên lượt hiển thị quảng cáo cũng nhiều hơn, dẫn tới giá trị vòng đời người dùng cũng tăng. Chưa kể, cùng với những đánh giá tích cực từ phía người dùng, Google cũng có đánh giá tốt hơn về ứng dụng Note của Eco Mobile. Việc Scale app, thu traffic organic từ đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Vậy nên, cũng không khó hiểu khi doanh thu lại có sự tăng mạnh

Điều này chứng minh rằng: Việc thay đổi kịch bản quảng cáo chưa chắc đã khiến cho app tụt doanh thu. Nếu bạn làm đúng cách, mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt, tập trung vào phát triển chất lượng ứng dụng, nghiên cứu sâu bên trong app thì tối ưu doanh thu sẽ không còn khó khăn.

Kết luận:

Như đã nói ở trên, việc phát triển một ứng dụng không chỉ nằm ở việc bạn scale app như thế nào, tăng doanh thu ra sao, mà cốt lõi vẫn luôn nằm ở việc ứng dụng mang lại những giá trị gì cho cộng đồng, cho user. Để có được kết quả tốt, hãy luôn làm những điều tốt, mang lại giá trị thực sự cho người dùng, trái ngọt ắt sẽ đến với bạn.

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Chia sẻ

Bài viết liên quan