Chỉ phát triển ứng dụng bằng quảng cáo thôi thì chưa đủ. Để phát triển bền vững, thì ứng dụng của bạn vẫn cần phải tối ưu ASO – App Store Optimization.

Nhiều nhà phát triển ứng dụng biết rằng ASO mang lại nhiều lợi ích: Tiết kiệm chi phí, mang về user organic, cải thiện thứ hạng từ khóa… nhưng không nhiều người biết và có thể tối ưu ASO hiệu quả. Trong bài viết dưới đây, Eco Mobile sẽ giúp bạn có một cái nhìn bao quát hơn về phương pháp tối ưu ASO.

I. ASO là gì? 

ASO là viết tắt của App Store Optimization – tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng. Đây là một cách thức marketing mobile app, dùng để tối ưu hóa các yếu tố giúp mobile app đạt thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm. 

ASO là viết tắt của App Store Optimization – tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng

II. Tại sao phải tối ưu ASO cho ứng dụng?

Chắc hẳn bạn đã được nghe rất nhiều người nói về tối ưu ASO sẽ mang về user organic, cải thiện thứ hạng từ khóa, giúp ứng dụng tăng trưởng tốt hơn,… Nhưng điều gì dẫn đến những kết quả tốt đẹp ấy, liệu bạn đã biết?

Trên thực tế, lý do chính giúp ASO mang lại hiệu quả chính là: 

Người dùng tìm thấy ứng dụng dễ hơn => Traffic tăng => Tỷ lệ chuyển đổi tăng => Download tăng => Doanh thu tăng. 

Đi cùng với những ưu điểm bên trên còn có: 

  1. Cải thiện thứ hạng từ khóa trong Google Play

Đây là một trong những lợi ích lớn nhất của việc làm ASO. Việc tối ưu hoá ứng dụng sẽ giúp cải thiện thứ hạng và tăng khả năng hiển thị đến với người dùng, ứng dụng của bạn sẽ được tải và cài đặt sử dụng.

Thứ hạng từ khóa của ứng dụng Đèn Pin – Eco Mobile
  1. Mang ứng dụng đến với những user phù hợp nhất. 

Một trong những điều mà marketer sợ nhất chính là “sai tệp người dùng”. Dù bạn có làm ứng dụng chỉnh chu đến đâu, nhưng nếu user hiểu sai về chức năng của ứng dụng thì cũng đều là thất bại. Việc tối ưu hoá ứng dụng thông qua các từ khóa liên quan trực tiếp sẽ mang ứng dụng đến được với những người dùng thực sự cần, từ đó tối ưu được lượt cài đặt app.

  1. Tăng lượt tải xuống organic miễn phí và bền vững

Khi người dùng tìm thấy bạn thông qua từ khóa, thì bạn sẽ không mất bất cứ chi phí nào. Điều này thực sự quan trọng khi bạn đang muốn tối ưu chi phí quảng cáo, giảm chi phí chuyển đổi người dùng để phát triển bền vững

  1. Tăng tỷ lệ chuyển đổi

Các yếu tố liên quan đến ASO như bài mô tả dài, mô tả ngắn, screenshot,… cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tỷ lệ chuyển đổi. Nếu bạn đã mất chi phí quảng cáo để ứng dụng có thể hiển thị với người dùng, nhưng họ lại không chọn tải xuống ứng dụng của bạn vì screenshot, mô tả ngắn dài, tên ứng dụng,… chưa hợp lý – thì bạn đang “ném tiền qua cửa sổ”. 

Tất cả ứng dụng của Eco Mobile đang được tối ưu ASO hàng ngày để tăng tỷ lệ chuyển đổi lên mức cao nhất có thể. Nên nhớ, ASO không chỉ là từ khóa, mà còn là nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến tỷ lệ chuyển đổi.

Screebshot ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ chuyển đổi ứng dụng
  1. Tiếp cận được user trên toàn cầu nhờ bản địa hóa

Với ASO, bạn có thể bản địa hóa cho từng quốc gia. Những quốc gia có tiềm năng lớn hoặc có giá trị người dùng cao lại càng cần đầu tư tập trung vào ASO. Từ đó, bạn có thể thu hút người dùng từ khắp nơi trên thế giới khám phá ứng dụng của bạn.

  1. Cải thiện tỷ lệ giữ app

ASO có thể giúp ứng dụng tăng tỷ lệ giữ chân người dùng bằng cách cung cấp thông tin minh bạch về những gì họ nhận được khi cài đặt ứng dụng. Tại đó, người dùng không còn phải mông lung, đặt những câu hỏi như: “Ứng dụng này có thể đáp ứng nhu cầu của tôi không?”. 

Thay vì bị động, họ sẽ chủ động trong việc sử dụng app, tận dụng được tất cả các tính năng của ứng dụng và tránh được tình huống “kì vọng quá cao” và đánh giá xấu ảnh hưởng đến rate của ứng dụng. 

Tỷ lệ giữ app cao sẽ cải thiện doanh thu
  1. Tăng khả năng được Google đề xuất đến tệp người dùng tốt

Một trong những tôn chỉ quan trọng nhất mà Google mong muốn các nhà phát triển ứng dụng có chính là: Đặt sự hài lòng của người dùng lên đầu, mang lại những trải nghiệm tốt nhất. 

Vậy nên, với những ứng dụng được tối ưu ASO tốt, có nhiều user cài đặt và hài lòng, không nói dối user về những tính năng có trong ứng dụng,… đã là những tiêu chí quan trọng để Google có thể suggest thêm người dùng có nhu cầu khớp với ứng dụng của bạn. Google làm điều đó vì họ biết, user sẽ có khả năng cài đặt và hài lòng với giá trị mà ứng dụng của bạn mang lại. 

III. Tối ưu ASO trong thời điểm này liệu có còn hiệu quả?

Cách đây 5-6 năm, khi thị trường mobile app chưa quá cạnh tranh như thời điểm hiện tại, thì ASO được coi là một “thần dược” giúp ứng dụng tăng hạng nhanh chóng. Những ứng dụng được phát triển tại Eco Mobile trong khoảng thời gian này thậm chí không cần chạy quảng cáo, chỉ cần tối ưu tốt ASO cũng có lượng lớn user sử dụng, nhanh chóng có lãi. 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà phát triển ứng dụng đã dần mất kiên nhẫn với ASO. Nhiều giả định đưa ra rằng Google không còn support ASO như trước. Nhưng thực tế, Google đã bác bỏ ý kiến trên, và giải thích rằng có quá nhiều nhà phát triển app đang tối ưu ASO từng ngày, làm cho tỷ lệ cạnh tranh tăng cao. Nếu bạn không có một lộ trình tối ưu ASO hợp lý, thì ứng dụng sẽ nhanh chóng tụt hạng. Chính điều này mới là nguyên nhân khiến việc tối ưu ASO ngày một khó hơn.

Dù trong thời điểm nào, ASO vẫn có những hiệu quả và lợi ích riêng!

IV. Tại sao không nên chỉ tập chung vào quảng cáo, bỏ qua ASO?

Trong thời điểm cạnh tranh như hiện tại, chạy quảng cáo là một phương pháp không thể bỏ qua nếu muốn ứng dụng của bạn tiếp cận được nhiều người dùng. Tuy nhiên, chỉ dựa vào quảng cáo sẽ khiến ứng dụng của bạn thiếu tính ổn định, bền vững bởi những lý do sau: 

  1. Nếu phụ thuộc 100% vào quảng cáo, thì bất cứ khi nào quảng cáo có vấn đề, thì ứng dụng sẽ không có lượt tải, ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu. Sự cố có thể đến từ nhiều yếu tố như bị từ chối/ hạn chế quảng cáo so vi phạm policy, giá thầu quá thấp,…
  2. Thị trường app mobile luôn có nhiều biến động, đặc biệt là trong mùa lễ hội. Sự cạnh tranh về quảng cáo trong mùa lễ thường rất lớn, khiến giá thầu tăng cao. Nếu không có người dùng đến từ organic, bạn sẽ không thể cân bằng giá và có lãi. Chưa kể, khi mùa lễ hội qua đi, ecpm tụt xuống và nhu cầu thị trường đã giảm dần, thì bạn lại càng khó để có lãi khi doanh thu sụt giảm đột ngột. 
  3. Nếu muốn có lợi nhuận, chi phí chạy quảng cáo buộc phải ít hơn doanh thu. Tuy nhiên, những nhà phát triển ứng dụng đang phải dần làm quen với việc tính cạnh tranh thị trường ngày một tăng cao. Số tiền bạn phải trả cho một lượt tải ứng dụng – chi phí sở hữu khách hàng ngày một lớn hơn. Thậm chí, doanh thu thu về có thể nhỏ hơn cả chi phí bạn đã bỏ ra. Việc làm ứng dụng có lãi ngày một xa vời hơn trong tình huống đó. 
ASO là một cách để giảm chi phí sở hữu khách hàng

Thế nên, Eco Mobile khẳng định rằng nếu chỉ chạy quảng cáo thôi, thì chưa đủ. Bạn cần phải tận dụng mọi nguồn mang về người dùng thì ứng dụng mới có tiềm năng phát triển tốt.

V. Các yếu tố ảnh hưởng đến ASO

Để bài viết được ngắn gọn và đi vào trọng tâm là cách tối ưu ASO, chúng tôi sẽ làm ngắn gọn những phần khái niệm, yếu tố ảnh hưởng. 

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ASO, cụ thể được trình bày trong ảnh sau:

VI. Mục tiêu chính khi làm ASO là gì?

Khi làm ASO, bạn nên chia ra làm 2 mục tiêu lớn, cụ thể như sau:

Giai đoạn đầu, ASO đặt mục tiêu:

  • Bắt đầu có các lượt cài đặt tự nhiên 
  • Giảm chi phí sở hữu khách hàng tiềm năng, hiểu đơn giản là tối ưu giá trung bình cho 1 lượt tải xuống
  • Giảm chi phí các hoạt động marketing 

Ở giai đoạn tiếp theo, ASO đặt mục tiêu:

  • Duy trì sự tăng trưởng
  • Giữ ứng dụng ở vị trí hàng đầu trong danh sách hoặc tìm kiếm nhờ tăng thứ hạng từ khóa
  • Gia tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ
  • Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi tới mức tối đa
  • Có được những phản hồi tốt của người dùng.

VII. Các giai đoạn tối ưu ASO

Dựa vào hành vi người dùng, chúng ta phân thành 3 giai đoạn: 

Giai đoạn 1: Tối ưu thứ hạng tìm kiếm trên Google Play 

Giai đoạn 2: Tối ưu số lần ghé thăm cửa hàng

Giai đoạn 3: Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi.

Các giai đoạn đều có ảnh hưởng đến nhau và tất cả các yếu tố đều gây ảnh hưởng ở tất cả các giai đoạn. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn chúng ta sẽ tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất để có thể sắp xếp ưu tiên cho từng giai đoạn.

Cụ thể, mỗi giai đoạn lại có những đầu việc bạn cần phải chú ý. Hãy cùng Eco Mobile tiếp cận với từng giai đoạn

Giai đoạn 1: Tối ưu thứ hạng tìm kiếm (Search Ranking) 

Đây là giai đoạn đầu tiên giúp ứng dụng của bạn có thể tiếp cận đến người dùng tiềm năng. Để làm được điều đó, từ khóa của ứng dụng cần có thứ hạng để có thể tìm kiếm trên Google Play.

Điều quan trọng nhất cần làm khi thực hiện giai đoạn 1 chính là lên kế hoạch phát triển từ khóa cho ứng dụng. Kế hoạch phát triển từ khoá sẽ giúp bạn có phương hướng rõ ràng, bám sát mục tiêu.

Tối ưu thứ hạng tìm kiếm (Search Ranking)

Để lên được từ khóa, bạn cần lựa chọn từ khoá phù hợp, đúng với nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Đây là việc vô cùng quan trọng để giúp ứng dụng của bạn tiếp cận đến chính xác người dùng mục tiêu. Nếu bạn lựa chọn từ khoá sai (traffic thấp, sai tính năng,….) thì không những người dùng không tìm thấy được ứng dụng, mà ứng dụng có thể đứng trước nguy cơ dính policy “lừa đảo người dùng”. Ngược lại nếu lựa chọn từ khoá đúng công với chiến lược tốt thì khả năng thành công bước đầu là khoảng 7-80%.

  • Lồng ghép từ khóa khéo léo trong tiêu đề, mô tả ngắn, mô tả dài, trả lời phản hồi người dùng, thậm chí là chữ trên các hình ảnh. Hãy thả từ khoá vào bất kỳ nơi nào nào bạn có thể sử dụng text, nhưng hãy thả từ khoá một cách tự nhiên nhất có thể, tránh bị spam từ khoá. Việc spam từ khóa không những không đem lại hiệu quả mà còn gây tác dụng ngược, có thể trở thành một nguyên nhân khiến việc tối ưu ASO thất bại
  • Bản địa Tiêu đề, mô tả ngắn, mô tả dài theo các ngôn ngữ. Bạn có thể không cần bản địa hết 84 quốc gia, nhưng cần tập trung nhiều vào các quốc gia có tiềm năng lớn, đang là thị trường lớn mang về doanh thu, hoặc các quốc gia có giá trị người dùng cao. Điều này sẽ giúp bạn có được thứ hạng từ khóa tốt hơn ở các quốc gia riêng lẻ. 

Giai đoạn 2: Tối ưu số lần ghé thăm cửa hàng 

Bước qua giai đoạn 1, từ khóa của bạn đã dần có thứ hạng (dù chưa được cao). Sang đến giai đoạn 2, bạn cần phải giúp người dùng hiểu kĩ về ứng dụng.

Với giai đoạn 2, câu hỏi quan trọng nhất là: Khi người dùng đã nhìn thấy ứng dụng của bạn, làm thế nào để họ ghé thăm cửa hàng ứng dụng?

Các yếu tố ảnh hưởng đến giai đoạn này là: Icon (biểu tượng ứng dụng), tiêu đề, rate, dung lượng ứng dụng, lượt tải tổng,… Nói cách khác, bất cứ thành phần nào được hiển thị trên trang tìm kiếm của Google Play cũng đều có ảnh hưởng. Trong đó, icon là yếu tố quan trọng nhất, chiếm đến 70% lý do dẫn người dùng ghé thăm cửa hàng.

Tuy nhiên, không phải yếu tố nào bạn cũng có thể trực tiếp can thiệp. Để tối ưu ASO trong giai đoạn này, bạn có thể can thiệp vào: Icon và tiêu đề

  • Tối ưu icon: Bạn hãy nghiên cứu thị trường, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh để đưa ra concept làm icon phù hợp với người dùng. Điều quan trọng là bạn hãy A/B test liên tục vì chắc chắn sẽ luôn có một icon tốt hơn icon hiện tại. Ngoài ra, bạn có thể bản địa icon theo nhiều ngôn ngữ khác nhau để phù hợp với từng quốc gia khác nhau. Chính điều này sẽ giúp tăng tỉ lệ ghé thăm cửa hàng.
  • Tiêu đề: Gồm 30 ký tự. Tại đây, bạn có thể thả từ khoá chính mô tả đúng tính năng chính và tính năng khác biệt của ứng dụng để giúp người dùng biết đây chính là ứng dụng họ đang tìm kiếm. Từ đó, họ sẽ nhấp vào thăm cửa hàng ứng dụng.

Giai đoạn 3: Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi 

Tỉ lệ chuyển đổi được tính dựa trên: Số người dùng cài lần đầu/ Số người dùng ghé thăm cửa hàng. Tỉ lệ chuyển đổi phản ánh mức độ hiệu quả của các thành phần trong cửa hàng khiến người dùng cài đặt ứng dụng. Vậy nên, ASO có sức ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ chuyển đổi. 

Ở giai đoạn 3, bạn cần tập trung tối ưu tất cả những yếu tố mà người dùng có thể nhìn thấy được. Những yếu tố thiên về hình ảnh như screenshot, banner, video được đánh giá là quan trọng và dễ dàng chỉnh sửa nhất.

hững yếu tố thiên về hình ảnh như screenshot, banner, video được đánh giá là quan trọng trong việc tối ưu tỷ lệ chuyển đổi

Đây là giai đoạn người dùng tìm hiểu kỹ về ứng dụng của bạn trước khi quyết định cài đặt ứng dụng. Vì vậy, hãy mô tả ứng dụng thật kĩ càng bằng hình ảnh, text để người dùng thực sự hiểu, có ấn tượng dẫn đến quyết định cài đặt ứng dụng. Trong quá trình làm, bạn hãy liên tục A/B test để có được phương án tốt nhất, thu về các chỉ số đánh giá và giảm rủi ro cho ứng dụng của bạn.

Ngoài ra, việc bản địa các yếu tố cũng rất quan trọng. Bạn có thể bản địa các yếu tố screenshot, banner, video promotion theo 84 ngôn ngữ để phù hợp với các quốc gia khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, những thị trường chính, tiềm năng mà ứng dụng đang hướng tới cần được quan tâm đặc biệt khi làm bản địa.

Một tips nhỏ giúp bạn tiết kiệm thời gian: 

Người phát triển ứng dụng luôn cần sự linh động để phù hợp với từng thời điểm của ứng dụng. 

Đối với ứng dụng mới hoàn toàn, bạn có thể chủ động thay đổi mà không cần A/B test. Lý do là ứng dụng mới chưa có quá nhiều số liệu nên A/B test sẽ chưa phù hợp, mất thời gian và thậm chí cho ra những kết quả mang tính chính xác không cao (do khối lượng user cài đặt quá ít). 

Còn đối với ứng dụng đã có lượt tải tương đối, bạn nên A/B test để theo dõi và tìm phương pháp phù hợp, mặt khác, bạn có thể giảm rủi ro cho ứng dụng của mình.

VIII. Các tham số cần xem xét khi lựa chọn từ khóa làm ASO

Có thể nói, nghiên cứu từ khóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi làm ASO. Tìm đúng bộ từ khóa sẽ giúp xếp hạng từ khóa lên nhanh và đến đúng tệp người dùng hơn. 

Tuy nhiên, giữa muôn vàn từ khóa đang xuất hiện trên thị trường, ắt hẳn nhiều người sẽ băn khoăn không biết chọn từ khóa nào. 

Có rất nhiều tham số cần xem xét khi lựa chọn từ khóa

Vậy nên, Eco Mobile sẽ hướng dẫn những tham số rất cần xem xét khi lựa chọn từ khóa:

  1. Mức độ liên quan của từ khóa

Mức độ liên quan của từ khóa là yếu tố quan trọng và ảnh hưởng nhiều nhất đến thứ hạng từ khóa. Thậm chí, khi bạn chọn những từ khóa không liên quan đến ứng dụng, thì thứ hạng từ khóa có thể bị tụt, tệ hơn là bị Google đánh giá lừa đảo người dùng, sai tính năng của app.

Do đó, hãy chọn những từ khóa liên quan trực tiếp, mô tả chính xác công năng của ứng dụng. Đừng cố gắng nhồi những từ khóa không liên quan. 

  1. Khối lượng tìm kiếm từ khóa (Volume từ khóa)

Khối lượng tìm kiếm từ khóa càng lớn, thì lượt tải ứng dụng từ từ khóa đó càng nhiều.Do đó, khối lượng từ khóa nên được sử dụng như một “bộ lọc” để lựa chọn từ khóa. 

Tuy nhiên, không phải cứ từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao là sẽ tốt. Điều này tùy thuộc vào “chiến lược” của bạn. Thông thường, các từ khóa có khối lượng tìm kiếm lớn cũng có độ khó khá cao, khi có nhiều người cũng muốn dùng từ khóa đó. Vậy nên, khi tối ưu ASO cho các ứng dụng mới, bạn có thể cân nhắc việc đi từ những từ khóa có volume tìm kiếm thấp hơn với độ khó trung bình nhưng vẫn mang về lượng traffic ổn định.

  1. Độ khó của từ khóa

Như đã nói ở trên, yếu tố độ khó của từ khóa cũng là một yếu tố bạn cần cân nhắc. Từ khóa có độ khó càng dễ thì càng dễ lên top, và ngược lại. Nhưng bạn cũng không nên làm các từ khóa quá dễ, vì kể cả bạn đẩy được từ khóa dễ lên top 1, thì traffic mang về cũng không được cao, do từ khóa dễ thường có volume tìm kiếm thấp. 

Vậy nên, hãy xác định rõ chiến lược:

  • Bạn muốn đánh vào thị trường nào? 
  • Liệu có thị trường ngách nào nói lên tính năng của ứng dụng, có từ khóa với volume tìm kiếm ổn định cùng độ khó không quá cao không?
  • Bạn sẽ đánh thẳng vào các thị trường có volume lớn hay đi lên từ những từ khóa nhỏ?

Chính những điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn từ khóa, tránh chọn từ khóa sai lệch.

IX. Các KPI quan trọng trong quá trình đo lường hiệu quả ASO?

Sau khi thực hiện hàng loạt các bước, các đầu việc để tối ưu ASO, thì bạn cũng cần phải nhìn lại, đánh giá, đo lường hiệu quả công việc để xác định hướng tối ưu tiếp theo.

Đối với việc tối ưu ASO, bạn có 2 KPI đo lường chính bao gồm: 

  • Khả năng hiển thị trên Google Play 
  • Tỷ lệ chuyển đổi của trang sản phẩm đích
  1. Khả năng hiển thị trên Google Play

Một trong những mục tiêu chính lớn nhất của việc làm ASO chính là giúp người dùng tìm thấy ứng dụng dễ dàng hơn. Càng nhiều lần hiển thị, càng nhiều lượt truy cập, bạn sẽ nhận được nhiều lượt cài đặt tự nhiên hơn.

Để biết được khả năng hiển thị trên Google Play có tốt hay không, bạn nên theo dõi những chỉ số sau: 

  • Bảng xếp hạng từ khóa – Keyword Ranking: Bạn cần theo dõi sát bộ từ khóa bạn đã chọn. Thứ hạng từ khóa mỗi ngày tăng giảm như thế nào? Đồng thời, bạn hãy xem ứng dụng đang đứng ở vị trí nào trên Google Play khi bạn tìm kiếm bằng những từ khóa chính? Tối ưu ASO thành công là khi người dùng dễ dàng tìm kiếm được ứng dụng thông qua những từ khóa có volume tìm kiếm ổn định
  • Bảng xếp hạng hàng đầu – Top Charts rankings: Ứng dụng của bạn có đang lọt được vào Top Charts hay không? Nếu có thì đứng vị trí bao nhiêu (cả ở miễn phí, trả phí hoặc grossing)
  • Xếp hạng trong hạng mục – Category rankings: Ứng dụng có lọt top danh mục không? Nếu có thì đứng vị trí bao nhiêu? 
  • Được đề xuất – Featured: Liệu ứng dụng của bạn có đủ đặc sắc được các biên tập viên trên Play Store đề xuất?
Top Charts rankings

Người dùng có thể tìm kiếm ứng dụng ở bất cứ đâu, không chỉ là từ khóa. Vậy nên, việc được lọt vào Top Charts, Category hay Featured đều là một cơ hội rất lớn để phát triển và tăng số lượng người dùng organic. 

Tất cả số liệu này đều quan trọng để đo lường khả năng hiển thị, khám phá của một ứng dụng trên Play Store. Tương tự, bạn có thể theo dõi sự phát triển của sản phẩm hàng ngày, hàng tháng, so sánh với đối thủ cạnh tranh. Càng đo lường kỹ thì càng có giải pháp tối ưu tốt hơn. 

  1. Tỷ lệ chuyển đổi của trang sản phẩm đích

Mục tiêu quan trọng thứ hai của việc tối ưu ASO sau khả năng hiển thị là tỷ lệ chuyển đổi để cài đặt. Khi người dùng tìm được đến app của bạn, nhưng vì tối ưu tỷ lệ chuyển đổi không tốt nên không cài đặt thì công sức của bạn đã phí hoài. Vậy nên, việc đo lường tỷ lệ chuyển đổi để tối ưu là điều không thể bỏ qua!

Một số yếu tố tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi mà bạn cần quan tâm bao gồm:

  • On-metadata: Tên ứng dụng, Mô tả, Icon, Screenshot, Video
  • Off-metadata: Downloads, Đánh giá người dùng

Tất cả những yếu tố này đều có ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi.

Tuy nhiên, trong quá trình tối ưu, bạn cần đặc biệt chú ý tới 2 tỷ lệ: 

  • Tỷ lệ click (CTR: Click-through rate/ TTR: Tap-through rate): Tỷ lệ người dùng nhấn vào xem cửa hàng so với số người nhìn thấy thông tin trên Google Play (in Search, Top Chart or Featured). 
  • Tỷ lệ chuyển đổi thành cài đặt (Conversion rate to install – CR): Số lượng người tải ứng dụng xuống so với số người dùng vào xem cửa hàng
CTR là một chỉ số đáng quan tâm

Các số liệu này khá quan trọng trong phễu tỷ lệ chuyển đổi của ứng dụng trên Play Store. Bạn càng tối ưu những chỉ số này, thì càng có nhiều người dùng có thể tiếp cận, tương tác và tải xuống ứng dụng của bạn.

Cách để cải thiện các yếu tố này là thực hiện các hoạt động thử nghiệm A/B Testing. Hiện tại Eco Mobile đang sử dụng chủ yếu là các dữ liệu trong Google Play Console.

X. Quy trình A/B Testing trong việc tối ưu ASO 

Cách A/B Testing đơn giản là tạo ra 2 phiên bản, rồi tìm ra phiên bản nào mang về kết quả tốt hơn. Đồng thời, bạn hãy tiếp tục xác định cụ thể yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi, rồi tiếp tục thử nghiệm từng giả thuyết để tìm ra kết quả tốt nhất. 

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể dùng để thử nghiệm và tiến hành thử nghiệm A/B để tối ưu hóa. Trước khi bắt đầu thử nghiệm A/B, hãy luôn bắt đầu với hai câu hỏi:

  • Những yếu tố nào của ứng dụng sẽ được thay đổi? 
  • Mục tiêu của việc thực hiện thay đổi này là gì? 

Yếu tố có thể được thử nghiệm trong thử nghiệm A/B 

  • Icon (Màu nền, Thay đổi văn bản, Thay đổi ký tự) 
  • Ảnh chụp màn hình ứng dụng (Thứ tự ảnh chụp màn hình, Màu được sử dụng, Định hướng hình ảnh,…) 

Ngoài ra, bạn có thể A/B Testing chính những tính năng trong ứng dụng, bao gồm: 

  • UI/UX của ứng dụng 
  • Các tính năng có trong ứng dụng
  • Các CTA (Màu sắc, Vị trí)
A/B Testing quyết định rất nhiều đến thành công của app!

Như vậy, có rất nhiều phần có thể sử dụng A/B Testing để tối ưu hóa. Thế nhưng, bạn không nên A/B testing chồng chéo vì có thể gây ra sự phân vân, hoang mang, không biết hiệu quả đến từ đâu. 

Hãy đặt các giả thiết khác nhau, rồi kiểm tra từng giả thiết để tìm ra yếu tố gây ảnh hưởng rồi tiến hành tối ưu.

XI. Kết

Ngành Mobile App đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Tính đến năm 2021:

  • Có khoảng 2,22 triệu ứng dụng trên App Store và thu nhập mà các nhà phát triển di động nhận được đã đạt 61 tỷ USD.
  • Tương tự, Cửa hàng Google Play có khoảng 3,15 triệu ứng dụng, tạo ra tổng doanh thu là 47,9 tỷ USD

Có thể nói, Mobile App đã và đang khẳng định được vị thế và tiềm năng của mình, trở thành một sân chơi cho các nhà phát triển ứng dụng. Thế nhưng, thuật toán ngày càng phát triển, cánh cửa dành cho những nhà phát triển “đầu cơ”, không chịu tối ưu app, không “chơi theo luật”, không đầu tư chất xám vào ứng dụng sẽ ngày một khép lại. 

Nói cách khác, cơ hội sẽ chỉ mỉm cười với những người thực sự nghiêm túc, trau dồi và học hỏi hàng ngày. Thu nhập thụ động bền vững là có thật, nhưng chỉ dành cho những người xứng đáng. 

Nếu đã và đang theo ngành này, bạn hãy liên tục trau dồi bản thân, suy nghĩ và hành động đúng, chắc chắn bạn sẽ thành công!

Mong rằng bài viết này của Eco Mobile sẽ giúp bạn có được những kiến thức và góc nhìn chuẩn hơn về việc tối ưu ASO!

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App và tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Chia sẻ

Bài viết liên quan