Ngày 14/7/2022, Eco Mobile đã có một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt với hai người bạn đến từ nước Pháp xa xôi: Clément Meyer và Romain Meyer. Họ là hai anh em, đang thực hiện hành trình đi vòng quanh thế giới để làm một cuộc nghiên cứu về phương pháp quản lý và […]

Ngày 14/7/2022, Eco Mobile đã có một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt với hai người bạn đến từ nước Pháp xa xôi: Clément Meyer và Romain Meyer. Họ là hai anh em, đang thực hiện hành trình đi vòng quanh thế giới để làm một cuộc nghiên cứu về phương pháp quản lý và đổi mới của các tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt. Và Eco Mobile rất vinh hạnh được là một trong những công ty được tham gia nghiên cứu.

Họ là ai?

Clément Meyer và Romain Meyer là hai anh em, có tuổi lần lượt là 22 và 24 tuổi, hiện đang là sinh viên đại học và sinh viên mới ra trường. Thay vì đi thực tập và thử sức mình với các công ty, các doanh nghiệp,… thì họ lại có một quyết định táo bạo hơn: Gọi vốn, đi vòng quanh thế giới và mở một cuộc nghiên cứu chuyên sâu về các mô hình/công ty/ tổ chức có cách vận hành và quản lý đặc biệt, để rút ra một kết luận về phương pháp quản lý và đổi mới của các tổ chức. 

Profile đặc biệt của hai chàng trai người Pháp

Mục đích của chuyến đi này sẽ là họ được nói chuyện với 200-300 nhân viên/quản lý/giám đốc điều hành trong tám quốc gia để tìm hiểu cách thức đổi mới quản lý đã được thúc đẩy, truyền đạt và áp dụng như thế nào trong các nền văn hóa khác biệt được vận hành bởi những con người khác nhau. Vậy nên, công việc của họ chính là gặp gỡ những công ty đã thoát ra khỏi vòng an toàn, không theo đuổi các cách thức quản lý truyền thống.

Trong chuyến đi này, họ sẽ ở lại với doanh nghiệp từ 1-2 ngày, để hiểu, để thấm được cung cách quản lý và văn hóa doanh nghiệp. Cùng với đó, họ sẽ trò chuyện với nhiều nhân viên nhất có thể (từ tất cả các vị trí) để đa dạng hóa cảm nhận và có thêm những góc nhìn mới mẻ về cách thức quản lý đang được áp dụng. 

Tại sao họ biết tới Eco Mobile?

Vì có những điểm rất đặc biệt trong hoạt động quản lý và văn hóa doanh nghiệp, nên Eco Mobile vinh dự khi là một trong hai công ty duy nhất tại Hà Nội, và là một trong vô vàn công ty trong 8 nước mà Clément và Romain đã chọn để nghiên cứu. 

Bản thân Eco Mobile cũng đang áp dụng một phương pháp quản lý rất đặc biệt: Mô hình xanh ngọc – mô hình tự quản. Cụ thể, Eco Mobile hoạt động theo mô hình các nhóm liên chức năng tự quản – không có các tầng lớp quản lý. 

Các nhóm liên chức năng hoạt động như một Startup trong hệ sinh thái khởi nghiệp mobile app. Nhóm liên chức năng bao gồm đầy đủ các vai trò tối thiểu: Technology, Designer, Product Owner cùng nhau phát triển một hay nhiều sản phẩm khác nhau. Mỗi vai trò sẽ được phụ trách chính, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với chuyên môn của mình. Tất cả các thành viên trong nhóm liên chức năng đều có một mục tiêu chung là phát triển sản phẩm mang lại trải nghiệm tốt nhất dành cho người dùng.

Tại Eco Mobile, chúng tôi không có các tầng lớp quản lý

Biết tới Eco Mobile với mô hình đặc biệt này, Clément Meyer và Romain Meyer đã quyết định đến với Eco Mobile, đặt những câu hỏi thú vị để hiểu được cách vận hành.

Tại sao CEO Vũ Văn Tường lại chọn mô hình tự quản đặc biệt thay vì mô hình truyền thống?

Trên thực tế, Eco Mobile cũng đã làm theo mô hình truyền thống trong hơn 1 năm, nhưng nhận ra nhiều bất cập cũng như khó khăn, nên anh Vũ Văn Tường phải suy nghĩ và cân nhắc rất kĩ lưỡng mới đưa ra phương án thay đổi mô hình công ty. Sau khi thay đổi, dựa trên tình hình của công ty, mô hình tự quản có những ưu điểm như sau: 

Người quản lý được san sẻ bớt gánh nặng công việc 

Việc quản lý trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Người quản lý không cần phải tự làm mọi thứ: Từ duyệt tất cả các plan, duyệt phiếu thu chi,… vì những việc này hoàn toàn do các nhóm liên chức năng phụ trách. Anh sẽ chỉ là người đưa ra quyết định trong những công việc chung, là người thẩm định cuối cùng. Việc quản lý cũng từ đó mà đơn giản hơn rất nhiều, mà bộ máy vẫn hoạt động được ổn định. 

Về góc độ cá nhân, anh Vũ Văn Tường là người… không đam mê quyền lực!

Trong buổi trò chuyện, Clément Meyer và Romain Meyer đã rất trầm trồ khi nghe chia sẻ của anh Tường rằng “anh không mê quyền lực đâu”. Họ chia sẻ rằng, đến nay họ đã gặp được hơn 100 CEO, nhưng chưa ai dám chia sẻ như vậy. 

Nhưng về bản chất, khi thành lập lên Eco Mobile, định hướng của anh là mong muốn được cống hiến và chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng mobile app Việt Nam để góp phần giúp Việt Nam khẳng định thương hiệu trên toàn cầu trong lĩnh vực này. Hơn nữa, anh muốn tạo nên một bệ phóng tài năng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên được thử sức với mô hình start-up

Tăng năng suất, tăng hiệu quả!

Như đã nói ở trên, các nhân sự hoạt động theo mô hình liên chức năng: Một nhóm có đủ các chức năng cần thiết để hoạt động, cách thức hoạt động giống như start-up. Khi làm việc và phát triển sản phẩm, bản thân các nhân sự không chỉ làm để đóng góp vào sự phát triển của công ty như các mô hình truyền thống, mà họ làm vì chính bản thân họ. Có thể nói, mọi hành động của nhân sự xuất phát từ động lực bên trong, nên làm việc cũng sẽ trách nghiệm hơn rất nhiều, mặc dù không hề có KPI hay leader thúc ép. 

Được chứng minh dựa trên thực tế, thì cách làm việc này mang lại hiệu quả cao hơn từ 3-5 lần so với các mô hình truyền thống

Thông tin trực quan, trực tiếp, không qua nhiều “cầu”, ít mâu thuẫn

Với mô hình đặc biệt này, nhân sự sẽ trực tiếp làm việc với các nhân sự đồng cấp khác, đưa ra ý kiến phát triển sản phẩm theo chuyên môn của mình. Nếu tìm được sự thống nhất giữa các thành viên, ý tưởng sẽ ngay lập tức được tiến hành. Điều này hoàn toàn khác với những mô hình truyền thống, khi nhân viên phải họp bàn, gửi đề án lên cấp trên, chờ đợi duyệt đề án, duyệt ngân sách,.. 

Như vậy, với cách làm này, việc họp hành sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa, thông tin cũng sẽ được đi thẳng tới người cần nhận, chứ không phải qua quá nhiều cầu, gây sai lệch thông tin ban đầu. Có lẽ chính vì vậy mà Eco Mobile rất quan trọng việc giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân sự.

Eco Mobile nhận định rằng khi mọi người đều được quyền đóng góp ý kiến và trực tiếp trao đổi xây dựng sản phẩm thì sẽ đỡ gây ra những mâu thuẫn không đáng có, cũng như giúp công việc trở nên bớt cứng nhắc và linh hoạt hơn rất nhiều. 

Xây dựng được công ty bền vững hơn

Mô hình này đã giúp Eco Mobile có được một hệ thống giống như có nhiều công ty con trong một công ty to. Trí tuệ và tài nguyên được phân tán ở đều các team, chứ không tụ lại thành nhiều phòng ban như mô hình truyền thống. 

Khi đó, nếu có một trong những team của công ty có vấn đề, thì cũng không hề gây ra xáo trộn trong các team khác. Như vậy, mô hình này xét trên nhiều góc độ sẽ bền vững hơn rất nhiều so với các mô hình truyền thống.

Mâu thuẫn giữa các team được giải quyết như thế nào? 

Trong buổi nói chuyện, Clément Meyer và Romain Meyer đã đặt một câu hỏi rất hay cho Eco Mobile, chính là “Các bạn sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa các team như thế nào để luôn giữ được không khí tích cực khi làm việc? Khi mà các team làm việc độc lập, thì làm thế nào để các sản phẩm không bị cạnh tranh trực tiếp gây ra mâu thuẫn?”

Trả lời câu hỏi này, anh Vũ Văn Tường đã giải thích rằng: 

  • Các sản phẩm được phân ra cho các team sẽ không có sự cạnh tranh lẫn nhau về thị trường. 
  • Công ty sẽ không xây dựng cơ chế thưởng để thúc đẩy các team ganh đua lẫn nhau
  • Công ty hiện đang có các câu lạc bộ chuyên môn và ngoài chuyên môn để giúp các thành viên nâng cao khả năng. Cụ thể, Eco Mobile đang có các câu lạc bộ chuyên môn (Design Club, Product Club, DEV Club) và các câu lạc bộ ngoài chuyên môn (đọc sách, đá bóng,…). Về phía Công ty, anh Vũ Văn Tường rất ủng hộ và luôn dành cả thời gian – tiền bạc cho việc phát triển các câu lạc bộ. Việc sinh hoạt câu lạc bộ có thể gắn kết những thành viên của các team. Tại đó, họ có thể tham gia các hoạt động chung, đi du lịch chung, ăn chung,… để tạo dựng sự gắn kết, san sẻ khó khăn và thấu hiểu, đồng cảm.
Những hoạt động là một điểm đáng tự hào của Eco Mobile

Như vậy, không những các team sẽ không có sự ganh ghét, đố kị, giữ được không khí làm việc thuận hòa, mà còn san sẻ, giúp đỡ mỗi khi các team khác cần hỗ trợ. Đó cũng chính là một trong những điểm hay trong văn hóa làm việc của Eco Mobile.

Công ty có những điểm gì đặc biệt mà các bạn muốn lan tỏa ra bên ngoài?

Là những người nghiên cứu, Clément Meyer và Romain Meyer đã rất tinh tế khi để ý từng chi tiết nhỏ nhất. Họ bước vào Eco Mobile, điểm đầu tiên họ để ý chính là tất cả các thành viên đều bỏ giày dép bên ngoài, đi chân trần vào công ty. Họ còn tìm hiểu rằng Eco Mobile cho các thành viên nghỉ trưa rất dài trong 2 tiếng, kéo từ 12h đến 2h chiều.

Vậy nên, họ đã hỏi Eco rằng “Có những điều gì khiến bạn tự hào rằng mình khác biệt với các doanh nghiệp đó. Hãy cho chúng tôi biết về những điều khiến bạn muốn lan tỏa ra bên ngoài, rằng bạn đang được làm việc trong một doanh nghiệp thật tuyệt!”

Vậy nên, đây là câu hỏi duy nhất mà chúng tôi không cần phải dựa quá nhiều vào những lời gợi ý của anh Tường; vì chính chúng tôi, cũng luôn có những điểm tự hào khi nhắc về Eco….

  1. Eco không bắt buộc mọi người làm OT, giờ làm việc chỉ kéo dài từ thứ 2 tới thứ 6, làm 7.5 tiếng/ ngày

Trong hầu hết các công ty công nghệ, đặc biệt là vị trí DEV thường sẽ mang một tiếng xấu rằng luôn trong tâm thế phải làm OT xuyên ngày đêm. Bất kể lúc nào, dù đang ngủ hay ăn, thì bug xuất hiện là DEV cũng phải ngồi trước máy tính. 

Nhưng khi trải nghiệm văn hóa Eco, chắc hẳn rất nhiều người sẽ phải bất ngờ, vì… cứ đúng 5h30 là mọi người sẽ đứng dậy, và đi về. Thậm chí, có những hôm đội bóng đá sẽ về sớm 15 phút để tập hợp đội hình đá bóng. 

Team DEV

Vậy nên, ở Eco, việc OT là không bắt buộc. Sếp cũng rất tinh tế, khi không bao giờ nói chuyện công việc hay nhắn lên nhóm chat ngoài giờ, trừ khi có việc thực sự gấp gáp. Vì với Eco, làm việc là để sống, chứ không phải ngược lại.   

  1. Chúng tớ được nghỉ trưa tới 2 tiếng, vì Eco rất quan trọng việc cân bằng sức khỏe và công việc

Như đã nói ở trên, việc cân bằng giữa sức khỏe, cuộc sống và công việc luôn là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu tại Eco Mobile. Hiểu được “sức mạnh” của việc ngủ trưa, nên Công ty đã không ngần ngại cho phép nhân sự được nghỉ ngơi tới 2 tiếng. Có thể nói, đây là một trong những điểm đặc biệt được yêu thích nhất tại Eco Mobile. 

  1. Chúng tớ có cực nhiều hoạt động, và các hoạt động đều được tổ chức rất bài bản.

Đây cũng là một trong những điều mà chúng tớ thực sự tự hào. So với những công ty với cùng quy mô, các hoạt động của Ecoer được tổ chức rất thường xuyên. Từ việc một năm đi du lịch/ teambuilding 2 lần, cho đến các buổi đi chơi, du lịch của các câu lạc bộ chuyên môn, hoạt động đọc sách, thiền, đá bóng của các CLB ngoài chuyên môn. Chưa kể, ngoài các hoạt động du lịch gắn kết, Ecoer còn được tham gia rất nhiều các hoạt động để nâng cao chuyên môn, cụ thể là các cuộc thi như Ecoup, đấu trường ứng dụng,… hay những buổi đào tạo như đào tạo kĩ năng làm việc từ xa, hoặc được tham gia các sự kiện như Vietnam mobile day.

Tất cả những hoạt động trên đều được công ty hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức

  1. Chúng tớ được bỏ ra 1 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động khác

Eco Mobile có rất nhiều câu lạc bộ ngoài chuyên môn như: Đọc sách, thiền, bóng đá,… Các hoạt động của các câu lạc bộ ngoài chuyên môn cũng luôn được công ty hỗ trợ về mặt thời gian để nhân sự được hoạt động, nâng cao về cả tâm hồn, kĩ năng lẫn thể chất.

Câu lạc bộ đọc sách
  1. Chúng tớ có happy hour mỗi thứ 2-4-6

Một trong những hoạt động rất thú vị của Eco Mobile là chúng tớ có được happy hour vào thứ 2-4-6. Vào khoảng thời gian này, Ecoer sẽ được những bữa ăn nhẹ, khi thì là hoa quả, lúc lại là quẩy rán, nem chua rán,… được bạn nhân sự chăm chút tận tình.

  1. Chúng tớ bỏ giày khi vào công ty để có được cảm giác như gia đình

Với văn hóa truyền thống của người Việt, việc bỏ giày trước khi đi vào nhà đã trở thành một điều hết sức quen thuộc. Tuy nhiên, khi đến công ty, việc bỏ giày sẽ khiến các công ty mất thêm một khoảng không gian, cũng như sàn nhà yêu cầu luôn phải giữ ở mức sạch sẽ để không bị sạn chân. Chính vì vậy, nhiều công ty đang chọn để nhân sự đi cả giày vào văn phòng. 

Nhưng ở Eco thì khác, chúng mình luôn bỏ giày, để có cảm giác kết nối như ở nhà. Không chỉ là chốn để làm việc 8 tiếng rồi về, mà nơi đây còn giống như một ngôi nhà thứ 2 của tất cả các thành viên. 

  1. Eco không yêu cầu các thành viên mặc đồng phục hoặc mặc đồ theo quy cách đến Công ty

Eco luôn đề cao hiệu suất, nên miễn là nhân sự có được sự thoải mái, sẵn sàng làm công việc là được, chứ không gò bó trong việc phải mặc gì, hay mặc những bộ đồng phục cứng nhắc.

  1. Bọn tớ luôn được bố trí ăn trưa cùng với nhau

Chúng tớ có một khu vực pantry rất xịn để tất cả mọi người có thể ngồi ăn uống và trò chuyện với nhau. Vị trí đó không chỉ đơn giản là để ăn, mà còn để mọi người trở nên thân thiết, hiểu nhau và gắn kết hơn

  1. Tại Eco, các thành viên luôn được khuyến khích để “lột bỏ những chiếc mặt nạ” và tìm về sự trọn vẹn trong tâm hồn

Các tổ chức truyền thống luôn yêu cầu nhân viên phải thể hiện sự chuyên nghiệp, thậm chí là theo cách cứng nhắc và gò bó dẫn đến nhân sự phải đeo nhiều chiếc mặt nạ khác nhau, chiếc thì với cấp trên, chiếc khi gặp cấp dưới và chiếc khi gặp khách hàng,… Nhưng ở Eco, Công ty luôn cố gắng xây dựng môi trường làm việc để giúp các thành viên được cởi bỏ đi những chiếc mặt nạ kia, tìm lại sự trọn vẹn trong tâm hồn và làm việc đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình. Nếu khi có vấn đề xảy ra, các thành viên trong Công ty sẽ tìm cách giải quyết thay vì che dấu, để ngay cả khi không có chiếc mặt nạ nào, nhân viên vẫn có thể luôn vui vẻ.

Đó chính là những điều nho nhỏ mà Ecoer luôn tự hào khi nói về Eco Mobile!

Văn hóa, đặc trưng về thời tiết, khí hậu đã tác động những gì đến những đức tính của con người Việt Nam?

Đây là một câu hỏi rất hay, cũng là câu hỏi cuối cùng mà Clément Meyer và Romain Meyer đặt ra cho Eco Mobile. Có thể nói, khí hậu, văn hóa sẽ tác động rất nhiều đến cách con người làm việc. Bạn có thể thấy điều đó rõ nhất ở Nhật Bản – quốc gia có những nhân viên rất chăm chỉ, cống hiến và trung thành. Khi đến với Việt Nam, Clément Meyer và Romain Meyer rất ấn tượng bởi sự thông minh, tiếp nhận công nghệ nhanh và tinh thần làm việc với năng lượng tích cực. Họ thực sự muốn hiểu được rằng điều gì đã giúp Việt Nam trở nên như vậy. 

  1. Con người Việt Nam luôn cố gắng giúp đỡ nhau

Với một quá khứ đầy rẫy những đau thương do chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai nên sự tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam rất mạnh mẽ. 

“Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Đây cũng là một câu mà bất cứ người Việt Nam nào cũng được dạy khi còn bé. Có chăng, chính hoàn cảnh, những khó khăn chồng chất đã làm con người ta thêm đồng cảm, hiểu nhau tốt hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn.

  1. Tinh thần học hỏi, hiếu học rất mạnh mẽ

Dù hiện tại Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn còn nghèo, còn khổ. Vậy nên, tinh thần hiếu học vẫn luôn bùng lên dữ dội. Càng nghèo, càng cằn cỗi, thì con người Việt Nam càng giống một cây xương rồng, vươn lên với sức sống mãnh liệt. 

Những điều đó vẫn luôn là những điều khiến tất cả người dân Việt tự hào.

Qua buổi phỏng vấn đầy ý nghĩa giữa Clément Meyer và Romain Meyer, không chỉ giúp hai anh chàng người Pháp hiểu thêm về Eco Mobile, mà còn giúp Eco một lần nữa nhìn lại chính mình, hiểu thêm về những định hướng, những điều cốt lõi mà Công ty đã luôn đi theo. 

Được là một trong nhiều Công ty được lựa chọn để tham gia cuộc nghiên cứu cũng là một trong những dấu hiệu về việc Eco khác biệt, nhưng là theo hướng tốt. Hy vọng rằng Eco sẽ luôn là niềm tự hào trong mắt các nhân sự, cũng như là một tia sáng mới trong giới công nghệ, cũng như luôn dẫn đầu, tạo xu hướng trong việc quản lý – đổi mới những bất cập vốn có của mô hình doanh nghiệp cũ!

Chia sẻ

Bài viết liên quan