Categories
Product Case Study Blog

Bài học qua câu chuyện ứng dụng Slideshow: “Không theo sát thị trường, ắt sẽ sớm tụt lại”

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi muốn kể một câu chuyện về ứng dụng SlideShow – một ứng dụng đứng hàng top doanh thu tại Eco Mobile. Nhưng ít ai biết, khi chia sẻ về ứng dụng này, thay vì nói về sự thành công, tăng trưởng, thì bạn phát triển sản phẩm lại nói rằng “Thị trường app luôn biến động, không có gì là vĩnh cửu. Phản ứng chậm, tư duy cũ, không theo được thị trường, ắt sẽ sớm tụt lại. Slideshow đã có một bài học quá đắt giá.”

Hãy cùng dõi theo hành trình của Slideshow để tự rút ra bài học cho bản thân nhé!

Phần 1: Khởi đầu thuận lợi, có lãi từ tháng thứ 2!

Khác với nhiều ứng dụng trong bộ sưu tập ứng dụng của Eco Mobile, SlideShow lại có một khởi đầu khá thuận lợi và dễ dàng. 

Chia sẻ về lý do chọn SlideShow, sau khi nghiên cứu thị trường thì nhận thấy ứng dụng có thị trường lớn, người dùng rất có nhu cầu. Chưa kể, thời điểm tháng 12/2019 đã nhen nhóm sự phát triển của các mạng xã hội video, nên tiềm năng của những ứng dụng hỗ trợ chỉnh sửa video cơ bản là hoàn toàn có. 

Tính năng chính của SlideShow là tạo nên những video trình chiếu đơn giản, được tạo nên từ tối đa 60 ảnh và được lồng ghép nhạc. Ý tưởng ban đầu của team là tập trung vào tệp user muốn làm ra những video chạy slide cơ bản một cách nhanh chóng, không cần công nghệ phức tạp. 

Trong tháng thứ 1, team tập trung đánh mạnh vào ASO, liên tục thay đổi bài mô tả, bộ từ khóa, tối ưu để ứng dụng có được lượng người dùng organic. Song song với đó, team cũng tiến hành chạy quảng cáo thử nghiệm, test chiến dịch Global và nhóm các quốc gia, rồi liên tục tối ưu để đạt được hiệu quả quảng cáo tốt hơn, giảm giá thầu. 

Ngay trong những tháng đầu, sản phẩm đã có doanh thu, tìm được thị trường, feedback người dùng không tệ. Quảng cáo cũng dần được team tối ưu để mang về hiệu quả tốt hơn.

Phần 2: Lắng nghe người dùng, tiếp tục thay đổi

  1. Thêm tính năng để cải thiện trải nghiệm khách hàng

Với khởi đầu thuận lợi, team sẽ có thêm động lực để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Với bản đầu tiên lên store, đây là là bản khả dụng tối thiểu – tức là với những tính năng cơ bản nhất để chạy được ứng dụng. Tại đó, app chưa hề có transition, effect chuyển cảnh, không có frame, chỉ có một bộ sưu tập nhạc sẵn, không thể dùng nhạc online. 

Vậy nên, việc đầu tiên mà team quyết định chính là nâng cao trải nghiệm về âm thanh cho người dùng, nhưng vẫn chọn phương án để tránh gây ra nhiều luồng mới, phức tạp cho, sinh nhiều bug và ARN.

Thông qua tracking, team biết được người dùng global thường sẽ sử dụng bài nhạc nào khi tạo video, nên đã để mặc định bài hát đó khi vào màn edit. Như vậy, người dùng có thể sử dụng luôn bản nhạc đó nếu thích, và tất cả các thao tác cần làm chỉ là chọn ảnh, và bấm next. Điều này cực kì phù hợp với đại đa số người dùng của app vào thời điểm đó. 

Màn Edit của ứng dụng

Họ có feedback lại cho Eco Mobile rằng điều đó giúp họ tiết kiệm thời gian hơn, lại tạo cảm hứng hơn khi họ vào màn edit. 

Sau đó, một số tính năng cần thiết cũng lần lượt được team thêm vào ứng dụng sau khi nghe feedback người dùng như: Hiệu ứng chuyển cảnh, thêm nhạc, duration… Tuy nhiên, những tính năng này được làm lần lượt chứ không ồ ạt, vừa làm vừa lắng nghe và theo dõi động thái người dùng, cũng như fix bug, ARN cẩn thận. 

Việc đi từng bước nhỏ như vậy sẽ giúp team tránh được tình trạng đưa lên một bản Big Update quá lớn với rất nhiều những tính năng khác nhau nhưng thừa thãi, hoặc sinh ra quá nhiều lỗi, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. 

Vậy nên, việc làm từng bước sẽ là một cách vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh rủi ro. Nếu cũng đang theo đuổi ngành mobile app, thì đây cũng là một kinh nghiệm nhỏ mà bạn có thể áp dụng được cho ứng dụng của mình. 

2. Thay đổi bộ screenshot, icon cũng ảnh hưởng rất nhiều đến ứng dụng

Vào thời điểm tháng thứ 2, team bắt đầu có designer mới. Thiết kế cũ đang làm theo hướng đơn giản, không được đầu tư nhiều, đặc biệt là screenshot, icon cũ cũng đang rất sơ khai. Có một số user đã feedback cho team về vấn đề này. 

Sau khi có design, cả team đã cùng nghiên cứu những đối thủ trên thị trường, xu hướng của nhóm app này để tìm ra phong cách thiết kế icon và screenshot thu hút người dùng nhất. Sau khi thay đổi, lượt visit và người dùng đến từ organic tăng gấp 5 lần. Điều này vừa giúp tăng thứ hạng từ khóa dễ dàng hơn, chạy quảng cáo cũng hiệu quả với giá thầu thấp hơn.

Bộ Screenshot cũ của ứng dụng

Vậy nên, sau những cải thiện bằng cách lắng nghe người dùng ấy, retention của app đã cải thiện theo thời gian, Retention D1 tăng từ 16% lên đến hơn 20%. 

Doanh thu của ứng dụng cũng tăng theo retention và sự hài lòng của user, có sự tăng đều theo thời gian. Từ 250$/ tháng đã tăng lên $600/ tháng và đạt hơn 1000$ vào tháng thứ 3. 

Phần 3: Doanh thu đạt kỉ lục, nhưng phản ứng chậm với sự thay đổi với thị trường và cái giá quá đắt cho Slideshow

Với bất cứ nhà phát triển ứng dụng nào, một trong những điều cần hiểu rõ chính là thị trường không bao giờ đứng yên. Thị trường luôn thay đổi, và bạn phải thật sự nhanh nhạy, dám thay đổi trước sự thay đổi của thị trường. Trường hợp của Slideshow cũng là một trong những bài học cho việc chậm thay đổi, phải trả giá đắt. 

Thị trường của ứng dụng Slideshow thay đổi liên tục. Những tháng đầu tiên, team xác định rằng Brazil đang là một thị trường tiềm năng, doanh thu mang lại khá ổn định. Tuy nhiên, từ tháng thứ 2, thị trường Brazil bất ngờ thu nhỏ lại rồi… biến mất. Ngay lập tức, team phải thay đổi chiến lược, đánh sang thị trường khác. Và may mắn thay, thị trường Ấn Độ đã lập tức trội lên, mang về doanh thu và giúp team ổn định trở lại. Cho đến thời điểm hiện tại, user từ Ấn Độ vẫn đang dùng khá nhiều, chiếm tới 60% của ứng dụng. 

Ấn Độ vẫn đang là thị trường lớn nhất của Slideshow

Tuy nhiên, có một sự thay đổi lớn hơn mà team đã không thay đổi kịp. 

Như đã nói phía trên, team liên tục thêm các tính năng, tối ưu tính năng theo mong muốn của người dùng. Đỉnh điểm, đến tháng 6/2021, số người dùng và doanh thu sản phẩm đều đã tăng trưởng đến đỉnh điểm. Cụ thể, vào tháng 6/2021, người dùng cài mới đạt mức 2.5 triệu user/ tháng, doanh thu cũng đạt mức kỷ lục là 70.000$/ tháng.

Vậy nên, team đã nghĩ rằng mình sẽ giữ định hướng làm app cho những người không yêu thích công nghệ, chỉ ưu tiên sự đơn giản suốt.

Tuy nhiên, ngay sau tháng 6/2021 đỉnh điểm, ứng dụng Slideshow bắt đầu có sự sụt giảm rõ rệt.

Số user cài mới giảm từ 2,5 triệu user xuống 2 triệu user, rồi xuống 1,5 triệu user chỉ sau vài tháng. Doanh thu cũng chứng kiến sự sụt giảm 35%.

Nghiên cứu lại thị trường, team mới phát hiện ra rằng thị trường đã thay đổi rất nhiều. Từ việc người dùng thích những ứng dụng đơn giản, không cần phải thao tác nhiều, cũng không cần hiệu ứng cầu kỳ, chuyển sang yêu cầu ứng dụng phải có được những tính năng phức tạp hơn như cắt nhạc, có hiệu ứng sinh động hơn, có khung,… Và những ứng dụng ngang hàng trước đây có lượt tải rất lớn , cũng đi theo hướng đơn giản như Slideshow đã dần không còn hoạt động.

Phần 4: Thay đổi, và phục hồi.

Như đã nói ở trên, dù team đã phát hiện ra được vấn đề liên quan đến sự thay đổi từ insight của app, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức bắt đầu tìm hiểu vấn đề. Việc đưa ra những thay đổi khá chậm trễ. Chỉ khi thấy app đã tụt giảm rõ rệt, team mới có phương án chính thức. Chính điều này đã gây mất thời gian và gây tổn hại nhiều cho app.

Những thay đổi lớn mà Slideshow đã làm là nghiên cứu lại thị trường, học thêm công nghệ mới, lắng nghe người dùng và tiếp tục thay đổi dần dần.

Sau khi thêm các tính năng mới, giờ đây, app đã hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khôi phục lại được như “thời hoàng kim”. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng user cài mới đang cố định ở mức 1,2 – 1,5 triệu/ tháng. Doanh thu tháng cũng đang ổn định ở mức 45.000$/ tháng. 

Một số tính năng mới của Slideshow

Còn các chỉ số khác như thứ hạng từ khóa chính của ứng dụng đều đang nằm trong top 1-3, và retention D1 đang ổn định ở mức 29-30%

Kết:

Trong cuộc phỏng vấn, bạn phát triển sản phẩm đã nói: “Slideshow bị như vậy là do việc cả team đã phản ứng chậm với thị trường, cứ giữ tư duy cũ và cách làm cũ, mãi chạy theo những gì đã có trong quá khứ và nghĩ chỉ cần duy trì là được. Thế nhưng thị trường không giống như vậy. Thị trường thay đổi từng ngày, không chờ đợi bất cứ ai và nếu không theo sát từng ngày, thì app sẽ chết dần chết mòn.”

Đây là một trong những thực trạng chung của ngành Mobile App. Mọi thứ luôn dịch chuyển và thay đổi. Vậy nên, nếu đang là một người phát triển app, hãy thật nhanh nhạy với thời cuộc để tránh mất đi những cơ hội đáng tiếc!

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Categories
Blog Product Case Study

Bài học từ Screen Recorder: Chịu lỗ quảng cáo 3 tháng để tìm lối đi cho ứng dụng

“Chạy quảng cáo thế nào để có lãi?” luôn là một trong những trăn trở của những nhà phát triển app. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc chạy lỗ để kéo user trong một khoảng thời gian nhất định cũng là một trong những chiến lược hiệu quả, bạn có thể cân nhắc để ứng dụng vào sản phẩm của mình.

Ứng dụng Screen Recorder

Phần 1: Quá trình chọn và định hướng phát triển của ứng dụng Screen Recorder

Ban đầu, team chọn phát triển ứng dụng Screen Recorder vì lý do là thị trường của ứng dụng rất lớn, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đối tượng chính mà ứng dụng hướng đến chính là những người làm game, chơi game, muốn chia sẻ lại những khoảnh khắc hay ho cho bạn bè và cộng đồng của mình. Ứng dụng có những tính năng như: Ghi màn hình, thu tiếng trong lúc chơi và edit video cơ bản. 

Những tính năng cơ bản trong ứng dụng

Khi lên chiến lược đánh vào ứng dụng này, team vẫn đi theo hướng truyền thống của Eco Mobile: Đi từ traffic organic bằng cách làm ASO. Tuy nhiên, do thị trường quá lớn, độ cạnh tranh của các ứng dụng cao nên đến thời điểm hiện tại, lượt download của app vẫn phụ thuộc tới 90% vào chạy quảng cáo.

Vậy nên, mức doanh thu mà team đang có từ Screen Recorder đến từ chính chiến lược quảng cáo. 

Sơ qua về công thức tài chính team của Eco Mobile

Tại Eco Mobile, team sẽ không làm việc theo hướng được cấp trên “rót vốn” xuống, team làm và nhận lương theo tháng, mà công sức của mọi người sẽ được ghi nhận bằng cách: Team sử dụng chính tiềm lực đã có để phát triển thêm, giống như cách vận hành của một Công ty startup.

Thời điểm đó, ứng dụng Slideshow của team đã đạt mức lãi gần 200$/ ngày. Để đủ trả lương cho các thành viên trong team cần mức lãi 160$/ ngày. Vậy nên, bạn phát triển sản phẩm đã có một quyết định khá quyết đoán: Thay vì chi thưởng, thì chỉ giữ lại đủ lương cho mọi người, số tiền lãi dư ra sẽ được dùng toàn bộ để chạy ads cho ứng dụng mới: Screen Recorder. 

Phần 2: Chịu lỗ 3 tháng để mang về người dùng cho ứng dụng

Như đã nói ở trên, mức chịu lỗ của team phụ thuộc vào phần lãi dư ra sau khi trả lương. Theo như tính toán tại thời điểm làm app, team sẽ có khoảng 20-30$/ ngày để đầu tư cho Screen Recorder, tương đương với 600-900$/ tháng. 

Đối với tất cả những nhà phát triển app, tính được mức “có thể chịu lỗ” là một điều rất quan trọng. Biết được con số đó sẽ giúp bạn xác định được tệp người dùng mà mình có thể đánh vào. 

  • Nếu ngân sách lớn, bạn hoàn toàn có thể tập trung vào những thị trường có giá trị cao, có tiềm năng tốt để khả năng về tiền tốt hơn. 
  • Tuy nhiên, với ngân sách thấp hoặc trung bình với mức chịu lãi thấp, bạn cũng có thể cân nhắc việc đánh vào những thị trường giá trị thấp hơn, dễ tính hơn như Ấn Độ, Brazil,… Việc này có thể giúp bạn tích lũy người dùng nhanh hơn, nếu app chạy ổn thì daily active user ổn định, retention cao, tối ưu app dần dần và làm ASO để được Google support nâng cao thứ hạng từ khóa, dần tiếp cận được thị trường tốt hơn và có khả năng giảm giá thầu/ chạy ads hiệu quả hơn. 

Chưa kể, việc xác định khoảng chịu lỗ cũng giúp bạn không tiêu quá ngân sách, sa đà vào những thị trường không phù hợp. 

Quay lại với ứng dụng Screen Recorder, sau khi tính toán được mức chịu lỗ, team đã quyết định chạy test Global và nhóm các quốc gia để tìm ra quốc gia phù hợp. Những thị trường được chọn bao gồm: Brazil, Hoa Kì, Thổ Nhĩ Kì,… Cho đến thời điểm hiện tại, Brazil vẫn đang là thị trường chính, mang về doanh thu nhiều nhất cho ứng dụng. 

Thị trường chính của ứng dụng Screen Recorder

Với mức 20-30$/ ngày, mỗi ngày mang về cho team hơn 3000 lượt tải mới từ tất cả các quốc gia. Kết quả, sau 3 tháng, khoảng tháng 2/2021, team đã có được lượng người dùng nhất định, mang về doanh thu ổn định, app bắt đầu có lãi, với mức lãi khoảng 600-700$/ tháng. 

Tiếp tục scale app bằng quảng cáo, thì sau 7 tháng, tháng 6/2021, team đã đạt được mức lãi là 1500$, gấp đôi sau 4 tháng. 

Cho đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận của app đạt 550-600$/ ngày, với mức lãi vào khoảng 8000-9000$/ tháng, gấp khoảng 5 lần so với hơn 1 năm về trước. 

Kết luận:

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Screen Recorder vẫn chưa đạt được mức tối ưu về chất lượng và trải nghiệm người dùng, khi ANR vẫn còn cao hơn các ứng dụng ngang hàng, cũng như luồng trong ứng dụng vẫn phức tạp. Vậy nên, trong thời gian này, team đang tập trung nghiên cứu và nâng cao trải nghiệm người dùng, với mong muốn người dùng sẽ có được trải nghiệm mượt mà nhất. 

ARN của ứng dụng đang cao hơn thị trường

Eco Mobile đang tin rằng, một sản phẩm sẽ chỉ thực sự phát triển khi được tối ưu cả về chất lượng sản phẩm và marketing. Hai yếu tố đó cần song hành và bổ trợ, phát triển lẫn nhau.

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Categories
Blog Product Case Study

Phát triển ứng dụng Đèn Pin: Doanh thu đã tăng trưởng từ con số 0 lên 1 triệu đô/ năm như thế nào?

Ngành mobile app luôn ẩn chứa nhiều sự bất ngờ như vậy, công sức của người làm app sẽ luôn được đền đáp bằng trái ngọt, nếu bạn thực sự mang lại những gì người dùng cần và biết phát triển ứng dụng đúng hướng!

Hãy theo dõi hành trình đưa ứng dụng Đèn pin từ con số 0 lên tới doanh thu 1 triệu đô/ năm trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao team lại lựa chọn ứng dụng đèn pin?

Nói sơ qua một chút về ứng dụng Đèn pin, thì cách đây nhiều năm, sau cuộc “thanh lọc app” của Eco Mobile, không may, app đã bị lọt vào danh sách không hiệu quả, không tiềm năng và bị unpublished.

Đối với rất nhiều người làm app, ứng dụng đèn pin bị định kiến khá nhiều. Cũng dễ hiểu, vì đây thường được coi là một ứng dụng đơn giản, có sẵn trong máy bất cứ ai. Hơn nữa, rất nhiều người cho rằng ứng dụng chỉ có 1 tính năng duy nhất, không có nhiều vấn đề để tối ưu, khó phát triển.

Thế nhưng, sau quá trình nghiên cứu thị trường, team đã phân tích rất kỹ và rút ra kết luận rằng: Thị trường của ứng dụng đèn pin rất lớn, người dùng có nhu cầu. Thị trường đèn pin lớn tới mức, vào thời điểm đó, có những app đã đạt tới mốc 50-100M lượt tải. Retention của thị trường cũng không thấp khi luôn giữ ở mức 20% – 30%. Vậy nên, có thể nhận thấy rằng đây rất có thể là  “một viên ngọc sáng ẩn trong đá thô, cần được mài giũa”.

Thị trường đèn pin có rất nhiều ứng dụng lớn

Ngoài ra, team còn xét thêm một yếu tố: Nguồn lực của team. Vào thời điểm đó, team chỉ có 3 thành viên tương ứng với 3 vai trò: 1 Product Owner (làm việc marketing và phát triển ứng dụng), 1 Designer, 1 DEV. Ngoài ứng dụng đèn pin, team còn đang phát triển thêm nhiều ứng dụng khác, nên sẽ ưu tiên chọn những ứng dụng không quá phức tạp, không quá nặng cho DEV để có thể tối ưu được nguồn lực. 

Vậy nên, trong quá trình chọn một ứng dụng, team đã xem xét cả 3 yếu tố: Thị trường, bản thân sản phẩm và nguồn lực của team. Trong trường hợp này, ứng dụng đèn pin là hoàn toàn phù hợp. Nếu bạn cũng đang lựa chọn sản phẩm, hãy cân nhắc những yếu tố bên trên nhé!

Liệu đèn pin có phải là một app ít hướng tối ưu – không thể nâng cấp?

Như đã nói ở trên, rất nhiều người đã và đang có định kiến với ứng dụng đèn pin rằng đây là một ứng dụng chỉ có một tính năng duy nhất, chẳng có gì để làm, cũng không có tính năng gì cần nâng cấp, và cũng không thể phát triển. 

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, team đã có định hướng riêng cho mình về những chức năng cần phải có để tạo sự thay đổi, khác biệt hơn so với những app có sẵn trong máy.

Điểm khác biệt đầu tiên chính là chức năng bật đèn. Thay vì chỉ có bật rồi tắt đèn như những ứng dụng hệ thống, thì ứng dụng Đèn Pin của Eco Mobile có tới 9 chức năng với cường độ sáng, nháy sáng, chớp sáng khác nhau. Ngoài ra, ứng dụng còn có cả chế độ SOS để người dùng có thể dùng làm đèn báo trong các tình huống khẩn cấp

Sau đó, nhờ vào nghiên cứu và khảo sát người dùng, thì những tính năng còn lại bắt đầu được hoàn thiện. Nổi bật là tính năng shortcut – người dùng có thể bật đèn ngay từ ngoài màn hình mà không cần vào trong app. Tuy nhiên, tính năng này chỉ có ở phiên bản Premium, người dùng phải bỏ tiền để mua thêm tính năng này và loại bỏ hoàn toàn quảng cáo

Tiếp theo đó, các tính năng như la bàn, máy ảnh lần lượt ra đời để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Có thể thấy rằng có rất nhiều điều có thể dùng để tối ưu app đèn pin chứ không như những gì mà nhiều người vẫn nghĩ. 

Để cùng thảo luận chuyên sâu về cách đánh giá những ứng dụng tiềm năng, hãy tham gia ngay vào cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Con đường làm app chưa bao giờ trải hoa hồng với nhiều khó khăn

Bất cứ sản phẩm nào cũng đều vấp phải những khó khăn nhất định. Với ứng dụng Đèn pin, khó khăn lớn nhất có lẽ đến từ việc team phải liên tục update và xử lý các policy từ Admob và Meta.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu mới triển khai, vì màn main chỉ có duy nhất nút bật đèn – tắt đèn, nên team đã vướng vào policy ở ngay màn main, được Google giải thích như sau: Khi người dùng bật đèn, thì phạm vi họ nhìn là không gian bên ngoài (phần được đèn chiếu vào) chứ không phải là màn hình điện thoại. Vậy nên, ứng dụng không được hiển thị quảng cáo khi người dùng đang bật đèn. Sau thông báo đó thì team đã sửa đổi bằng cách chỉ hiển thị quảng cáo khi đèn pin đang tắt

Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì doanh thu sẽ sụt giảm khá nhiều do người dùng vào app đa phần chỉ dùng tính năng bật đèn pin. Để tối ưu cả trải nghiệm người dùng lẫn doanh thu, cũng như để tránh vi phạm policy trong những trường hợp người dùng thao tác quá nhanh, không check kĩ được các trường hợp hiện – ẩn quảng cáo nên team đã đưa ra phương án là làm thêm phần la bàn trong màn main, ngay phía trên nút bật – tắt đèn. Khi đó, người dùng vừa có thể bật đèn pin, vừa nhìn vào la bàn để dò đường. 

Tính năng la bàn được phát triển

Sau policy trên, app còn vi phạm policy của Meta. Cụ thể, yêu cầu từ phía meta là quảng cáo phải được tách biệt với các nội dung khác của ứng dụng. Tức là, team cần phải thêm viền quảng cáo để user dễ dàng nhận biết đâu là quảng cáo, đâu là các thành phần khác. Team đã khắc phục bằng cách thêm viền quảng cáo. 

Vi phạm policy của Meta

Tuy nhiên, sau bản update này, team lại tiếp tục vướng vào lỗi Disruptive Ads của Admob, do viền quảng cáo quá đậm, nút CTA nổi bật khiến cho CTR quá cao. Vì vậy Admob sẽ nhận định rằng app đang cố lôi kéo người dùng nhấn vào quảng cáo. Sau khi phát hiện ra, team tiếp tục chỉnh sửa về viền màu xám để đáp ứng được cả policy của Admob và Meta

Policy của Admob về lỗi Disruptive Ads

Ngoài những khó khăn ở phía trên, team còn liên tục phải xử lý và đưa ra những quyết định để cải tiến app mỗi ngày. Có lẽ, với người phát triển app, một bản kế hoạch chi tiết và đầy đủ mọi tình huống thực sự không phù hợp. Điều quan trọng là bạn cần phải linh động, nhanh nhạy và tìm cách xử lý tình huống nhanh nhất có thể. 

Làm thế nào để đưa app từ con số 0 lên doanh thu 1 triệu đô/ năm?

Có lẽ với những nhà phát triển app, thì đây là câu hỏi được quan tâm nhất.

Hành trình phát triển app Đèn Pin tính đến nay đã được 5 năm. Trong quãng thời gian ấy, team chưa bao giờ ngừng phát triển và nâng cấp ứng dụng. Những giai đoạn chính của ứng dụng Đèn Pin phải kể đến:

Phát triển app Đèn Pin trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên

Vào những ngày đầu phát triển, team xác định rõ ràng mục tiêu trong giai đoạn đầu là user chứ không phải doanh thu. Vậy nên, bản đầu tiên được ra mắt trên store hoàn toàn không có quảng cáo Splash để mang lại cho người dùng trải nghiệm sử dụng mượt mà nhất. 

Cũng trong thời điểm đó, team không tập trung vào quảng cáo mà dồn lực để làm organic – nâng thứ hạng từ khóa bằng ASO. Vừa làm organic, vừa lắng nghe người dùng, thay đổi sản phẩm để hoàn thiện hơn. Kết quả là, sau giai đoạn này, do thị trường lớn, nên khi từ khóa được nâng cao, thì lượng người dùng đến từ organic khá nhiều. Khoảng thời gian này kéo dài 3 tháng, doanh thu tăng dần từ 0-20$/ ngày.

Cho đến thời điểm hiện tại, từ khóa của ứng dụng vẫn có thứ hạng cao trên thị trường

5 tháng tiếp theo: Giai đoạn thay đổi – bứt phá!

Sau khi có được lượng người dùng nhất định, team bắt đầu đẩy mạnh chạy quảng cáo và gắn lại splash để tăng doanh thu. Vào thời điểm này, người dùng có giảm do gắn splash, tuy nhiên, doanh thu lại tăng đáng kể. Biết được đây là một trong những bước đi cần phải có để phát triển ứng dụng, nên team đã chuẩn bị sẵn một “tâm lý thép”, không bị lung lay khi lượng user giảm. 

Việc đẩy mạnh chạy ads giúp ứng dụng có được lượng người dùng lớn, nên team chấp nhận chịu lỗ để “vít” quảng cáo mạnh tay hơn. Theo đánh giá thị trường, người dùng của những ứng dụng đèn pin khác có tới 60% đến từ Hoa Kỳ. Vậy nên team cũng tập trung chạy mạnh vào Hoa Kỳ. 

Trong thời điểm này, team cũng có một big update khi thay đổi toàn bộ UI của ứng dụng. Cụ thể, màn main của UI cũ có tới 9 chế độ sáng – nháy sáng khác nhau nên nút kéo đang rất bé, khó thao tác. Chưa kể, UI cũ đang đi theo phong cách app truyền thống của nhiều năm về trước nên có giao diện hơi rối mắt, không tạo cảm giác “clean” cho người dùng. Chính vì vậy, team đã quyết định bỏ 4 chế độ sáng – nháy, đồng thời thay đổi UI theo phong cách hiện đại hơn. Sau thay đổi này, ứng dụng có giao diện thoáng hơn hẳn, chỉ có 5 chế độ sáng. Từ đó, người phát triển app đã tiến hành theo dõi và đo lường các thông số. Đối với các app khác, bỏ đi những tính năng, đa phần người dùng sẽ cảm thấy thất vọng và rời bỏ app. Tuy nhiên, trong trường hợp của ứng dụng Đèn Pin, kết quả khá bất ngờ khi mặc dù đã bỏ đi 4 chế độ sáng nhưng các chỉ số về người dùng như DAU, Retention không có sự thay đổi. Vậy nên, đây cũng được coi là một thử nghiệm thành công vì vừa giúp cho ứng dụng có giao diện đẹp hơn mà không làm mất đi người dùng.

Sau 5 tháng tập trung chạy quảng cáo và scale app, ứng dụng đã có sự tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu. Doanh thu được cải thiện lên mức hơn 70$/ ngày

1 tháng tiếp theo: Doanh thu tăng trưởng gấp 2.8 lần!

Không bỏ bê người dùng đến từ organic, team tiếp tục đẩy mạnh đồng thời chạy quảng cáo song song, vậy nên chỉ sau 1 tháng, doanh thu đã tăng trưởng mạnh hơn, lên tới hơn 200$/ ngày

Từ thời điểm đó cho tới… hiện tại

Hiện tại, team vẫn đang giữ chiến lược này và app vẫn tăng trưởng mỗi ngày. Vào tháng 10/2022, doanh thu đã ghi nhận mức mới, và doanh thu trung bình trong năm của ứng dụng rơi vào 1 triệu đô, với tệp người dùng đa số đến từ Hoa Kỳ. Rất đáng tự hào khi từ khóa chính mang về nhiều lượt tải của ứng dụng đang đứng ở vị trí số 3-4, còn tổng lượt tải tháng đang đứng số 2 trên thị trường với khoảng trung bình 500.000 lượt tải/ tháng

Kết luận

Có một sự thay đổi rất cần chú ý là sau nhiều năm, thị trường của ứng dụng Đèn Pin đã bị thu nhỏ đi rất nhiều lần. Những ứng dụng có lượt tải tích lũy lên tới 50-100M, rất nổi tiếng trước đây hiện tại chỉ đạt 10-20K lượt tải mỗi tháng. 

Vậy nên, khi thị trường giảm mạnh, mà đèn pin của Eco Mobile vẫn đạt được mốc tăng trưởng mới cả về doanh thu lẫn người dùng, lượt tải tháng dao động 400.000-700.000/ tháng thì chắc chắn không đơn giản là may mắn, mà còn là sự cố gắng, liên tục tối ưu không ngừng nghỉ của cả 1 team.

Vậy nên, nếu bạn đang ấp ủ một dự định làm app, hãy thật kiên trì, bền bỉ, update kiến thức mỗi ngày. Hoặc nếu muốn “đi đường tắt”, thì hãy gia nhập với Eco Mobile, để học hỏi và trau dồi bản thân. Eco luôn dang tay đón chào các DEV, các nhà phát triển app tiềm năng, thậm chí là những người muốn học hỏi và thử startup với những sản phẩm của riêng mình. Mong rằng một ngày có thể thấy bạn đứng trong đội ngũ của Eco Mobile!

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để xem các cơ hội gia nhập Eco Mobile, hãy click VÀO ĐÂY

Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết này!



Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Categories
Product Case Study

Bài học của Text on Photo: “Đôi khi, chỉ một chi tiết nhỏ cũng mang lại thay đổi lớn”

Nhiều nhà phát triển app rất tin rằng “Ứng dụng sau một thời gian cần phải Big Update, cần những thay đổi rất lớn, thì mới có thể có sự phát triển”. Tuy nhiên, trong bài viết này, thông qua ứng dụng Text On Photo, chúng tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng: “Có những trường hợp, chỉ một chi tiết nhỏ lại mang lại thay đổi đắt giá”

Liệu tập trung nguồn lực vào Big Update có phải luôn tốt?

Vào năm 2018, khi tìm kiếm những ứng dụng tiềm năng để phát triển, một bạn phát triển sản phẩm của Eco Mobile đã chọn ứng dụng Text On Photo. Về cơ bản, ứng dụng này có chức năng là giúp người dùng có được những dòng text nghệ thuật lên tấm ảnh, giúp tấm ảnh có được tính cá nhân hóa nhất định.

Text On Photo giúp người dùng có được những dòng text nghệ thuật lên tấm ảnh, giúp tấm ảnh có được tính cá nhân hóa nhất định.

Thị trường của Text On Photo không quá nổi bật, so với thị trường app chỉnh sửa ảnh thì còn khá nhỏ. Tuy nhiên, thuận theo xu hướng phát triển của mạng xã hội Instagram vào thời điểm đó, ứng dụng này vẫn được coi là một “sân chơi” tiềm năng cho các nhà phát triển app

Ban đầu, chiến lược của team chỉnh là tập trung vào organic, tìm cách nâng thứ hạng từ khóa. Sau hơn 4 tháng đẩy mạnh từ khóa, test bài mô tả, làm ASO, thì ứng dụng đã đạt mức doanh thu $8000/ tháng. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ phù hợp cho những năm 2018 – 2019, khi việc làm organic còn đang tương đối đơn giản. Cho đến thời điểm hiện tại, do thị trường cạnh tranh quá lớn, nên việc làm organic chỉ đơn giản là việc các bạn phát triển sản phẩm cần phải làm, nhưng phải kết hợp thêm với nhiều phương pháp marketing khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, thứ hạng của từ khóa ở Hoa Kì vẫn đang đứng top

Sau khi thấy sự tăng trưởng lớn này, team xác định đây là một ứng dụng tiềm năng, nên bắt đầu dồn toàn bộ tài nguyên vào để phát triển. Hai DEV giàu kinh nghiệm nhất được đưa vào để phát triển ứng dụng. Sau đó, những tính năng mới đã được thêm vào, luồng cũng đã được thay đổi theo hướng hoàn toàn mới. Tất cả mọi người đều hy vọng rằng sau những thay đổi lớn này thì ứng dụng sẽ tăng trưởng mạnh. 

Tuy nhiên, điều mà không một ai lường trước được chính là ứng dụng không hề tăng trưởng, mà ngược lại còn giảm doanh thu rõ rệt. Doanh thu giảm từ $8000/ tháng xuống $5700/ tháng. Một vài tháng sau đó, càng chạy ads, phát triển sản phẩm và thay đổi thì ứng dụng càng không tăng trưởng, có giai đoạn còn tụt sâu. Vậy là, thay vì tiếp tục phát triển thì cả team đã phải dừng lại, để đi tìm nguyên nhân.

Cả team phải dừng lại để đi tìm nguyên nhân

Đừng ngạc nhiên: Chi tiết nhỏ có thể mang lại thay đổi lớn!

Một trong những điều mà các nhà phát triển app được học khi vào Eco Mobile chính là: Luôn lắng nghe người dùng. Thay vì cố gắng phát triển tiếp khi app giảm, thì các bạn phát triển và marketing sản phẩm lại đi tìm nguyên nhân bằng cách đọc kĩ đánh giá và hỏi ý kiến user. Sau đó, cả team phát hiện ra luồng add text (luồng chính và đang là tính năng cơ bản của ứng dụng) đang bị khó sử dụng. 

Cụ thể, khi user vào được đến màn edit, thì sẽ cần Double Click (Ấn 2 lần) để sửa được text. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng không để ý hướng dẫn Double Click, không ấn 2 lần dẫn tới việc không thể sửa được text. Vì vậy, họ mặc định là ứng dụng bị lỗi và không thể dùng được. 

Vậy nên, thay vì để hướng dẫn như trước đây thì bên phát triển sản phẩm đã quyết định thêm vào đó hình ảnh 1 chiếc bút, để người dùng dễ dàng ấn vào đó để sửa text ngay. 

Chỉ một thay đổi nhỏ đã giúp ứng dụng tăng trưởng nhiều

Cuối cùng, sau rất nhiều thay đổi về luồng, tính năng nhưng không mang lại hiệu quả, thì chỉ một thao tác “thêm icon chiếc bút” vào cạnh phần text, đã khiến ứng dụng thay đổi hoàn toàn. Chỉ trong 3-4 tháng sau thay đổi này, ứng dụng đã có sự khác biệt rõ rệt. 

DAU (Daily Active User – người dùng sử dụng ứng dụng hàng ngày) tăng rõ rệt, Rate tốt hơn, việc chạy ads cũng trở nên đơn giản hơn. Cho dù giá thầu không giảm nhiều, nhưng tỷ lệ cắn tiền và về tiền của ứng dụng đã tốt hơn rất nhiều. Thời điểm đó, hai quốc gia được tập trung chạy ads và mang về nhiều doanh thu nhất là Hoa Kỳ và Indonesia.

Vào thời điểm này, doanh thu đã được cải thiện, nếu như cuối năm 2018, doanh thu chỉ đạt $5700/ tháng, thì tới cuối quý I/2019, doanh thu đã chạm mức $30.000/ tháng, gấp tới 5,2 lần so với trước đây!

Kết

Như đã nói, thay đổi ứng dụng đúng đắn sẽ không nằm ở việc bạn update nhiều hay ít, đó là một bản Big Update hay chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ. Mà sự đúng đắn sẽ nằm ở việc bạn mang lại bao nhiêu giá trị cho người dùng. 

Sau bản thay đổi đó, người dùng có cảm thấy hài lòng và yêu thích việc sử dụng ứng dụng hơn không? 

Nếu câu trả lời là có. 

Thì xin chúc mừng, bạn đã có được một bản update ứng dụng thành công!

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!

Categories
Product Case Study

Ứng dụng Note – Hành trình 2 lần Big Update, bỏ quảng cáo Splash để tạo nên sự thay đổi ngoạn mục về doanh thu

Đối với nhiều người đã và đang phát triển app, thì những chủ đề như làm thế nào để marketing app hiệu quả, scale app bằng ads ra sao,… đang rất được quan tâm. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nhận ra rằng, chất lượng sản phẩm và việc thay đổi ứng dụng để phù hợp với user cũng là một yếu tố quan trọng giúp app của bạn tăng trưởng đến ngoạn mục?

Trong bài viết này, bạn cũng sẽ được tận mắt chứng kiến hành trình tăng trưởng của ứng dụng Note thông qua 2 lần Big Update và bỏ quảng cáo Splash, cũng như thêm những tính năng phù hợp với người dùng, thay vì chỉ cố gắng đẩy mạnh quảng cáo. Liệu rằng team có đang đi ngược lại với cách làm truyền thống để khác biệt? 

Ứng dụng Note

Phần 1: hành trình 2 lần Big Update để tạo ra sự thay đổi doanh thu ngoạn mục: Tăng từ 900$/ tháng lên tới 30.000$/ tháng

Nói sơ qua về ứng dụng Note, cách đây 3 năm, doanh thu của app là hơn 900$/ tháng, user đa phần đến từ quảng cáo, retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) chỉ khoảng 18-20%. Với một số nhà phát triển app, khi được nghe về những thông số kể trên, có lẽ sẽ đánh giá đây chưa phải là một ứng dụng tiềm năng.

Khi được nhận app Note, ngay lập tức, team đã ngồi lại và cùng nhau thảo luận. Kết luận được đưa ra là app Note đang gặp phải 2 vấn đề chính

Vấn đề 1: UI và UX của ứng dụng không đồng bộ

Một đặc điểm của ứng dụng Note cần phải nhắc tới, chính là app đã từng được rất nhiều team/ cá nhân quản lý và phát triển. Mỗi cá nhân/ team sẽ có 1 design theo sát, và thiết kế những màn, tính năng mà người phát triển app mong muốn. Mỗi design lại có những “màu sắc” rất riêng. Có người thích phong cách thiết kế 3D, có người lại mang vào app một chút phong cách hiện đại,… 

Vậy nên, khi nhìn vào, có thể nhận thấy ngay rằng phong cách thiết kế của ứng dụng Note đang không được đồng nhất, không có style rõ ràng. Chưa kể, màu sắc trong app không đẹp, các nút bị thô, làm theo phong cách thiết kế cũ. 

Vậy nên, team xác định rằng UI-UX là những yếu tố cần phải cải thiện. Điều này vừa giúp cho ứng dụng trở nên chuyên nghiệp và đồng bộ hơn, vừa giúp trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, cải thiện tỷ lệ gỡ app.

Tuy nhiên, việc chỉ cải thiện một vài phần trong UI/UX sẽ khiến ứng dụng có nguy cơ trở nên chắp vá hơn. Vậy nên team quyết định thiết kế lại toàn bộ app theo hướng hiện đại, giúp ứng dụng có tính đồng nhất. Việc thiết kế lại giao diện được team coi là một task gấp, cần phải thực hiện ngay để Big Update.

So sánh giữa giao diện cũ và mới của Note

Vấn đề 2: Lỗi đồng bộ trên các thiết bị

Note là một ứng dụng mà người dùng sẽ có yêu cầu khá cao về chức năng đồng bộ vì dữ liệu cần phải được đồng bộ liên tục để tránh việc mất các note quan trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ứng dụng đang bị lỗi nặng ở tính năng đồng bộ, khiến nhiều user rất bức xúc

Vậy nên, team xác định được rằng khi fix được lỗi này sẽ cải thiện rất nhiều, cả về rate ứng dụng, retention và cả trải nghiệm người dùng. 

Tuy nhiên, khi kiểm tra lại code, tương tự với design, ứng dụng này cũng đã được chỉnh sửa qua khá nhiều dev, code bị lằng nhằng, để tìm ra ứng dụng bị lỗi chỗ nào thì rất phức tạp, mất thời gian mà còn chưa chắc đã triệt để. Vậy nên, để tiết kiệm thời gian, công sức và giải quyết triệt để vấn đề, thì DEV đã quyết định code lại ứng dụng từ đầu chứ không tìm cách chắp vá, thay thế. Như vậy, việc update về công nghệ được coi là Big Update thứ 2 mà team dành cho ứng dụng Note

Lỗi đồng bộ trên Note

Kết quả sau 2 lần Big Update

Khi gặp phải tình huống như Note – một app vẫn đang có doanh thu đều (900$/ tháng), với những tính năng cơ bản chạy được, thì nhà phát triển hoàn toàn có thể chọn giải pháp cải thiện từng phần, để tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Chưa kể, team cầm app thời điểm đó chỉ có 3 thành viên tương ứng với 3 vai trò: Product Owner (phát triển và marketing app), Designer và DEV, lại cầm nhiều app chứ không chỉ riêng Note, nên việc làm 2 Big Update cho 1 app cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng vì cần sự đầu tư rất lớn.

Vậy nên, việc Big Update này cho thấy team đã nghiên cứu rất kĩ về tiềm năng của app, cũng như đặt mình vào vị trí của user, mong muốn user được sử dụng một sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ từ thiết kế cho đến công nghệ, không chắp vá. Và không phụ sự cố gắng ấy, kết quả 2 lần Big Update cũng rất mỹ mãn khi sau 5 tháng:

  • Doanh thu của ứng dụng tăng trưởng mạnh: Từ 900$/ tháng, thì sau 5 tháng, doanh thu của Note đã đạt mức 30.000$/ tháng, tăng trưởng gấp 33 lần!
  • Retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) tốt hơn rất nhiều, tăng từ 18-20% lên tới 30%
  • Việc chạy quảng cáo và scale app cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy giá thầu của ứng dụng không giảm, các thị trường được lựa chọn để chạy gần như giữ nguyên, nhưng tỷ lệ cắn tiền và về tiền của ứng dụng lại tốt hơn rất nhiều. Chỉ cần căn cứ vào retention D1 tăng hơn 10% đã đủ để chắc chắn rằng LTV (LifeTime Value – giá trị người dùng) tăng mạnh. Việc ứng dụng sửa được lỗi cũng giúp Google đánh giá app cao hơn, việc làm ASO (để có được traffic organic) cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Đó chính là những cơ sở để app có thể scale tốt hơn. 
  • Chưa kể, tỷ lệ gỡ cũng giảm đáng kể. Song hành với đó là rate ứng dụng tăng lên. 

Tuy nhiên, sự cải tiến của app Note chưa hề dừng lại ở đó. Trong phần tiếp theo, Eco Mobile sẽ cho bạn thấy một case study khá lạ: Bỏ quảng cáo Splash để… tăng doanh thu!

Phần 2: Khác biệt để thành công – Loại bỏ quảng cáo Splash để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng

  1. Thử nghiệm tính năng Shortcut

Note được sinh ra với chức năng là note những ý tưởng lóe lên trong đầu, ghi lại những sự kiện để tránh quên, ghi nhanh một thông tin hữu ích,… Vậy nên, người dùng Note rất cần sự nhanh chóng. 

Đối với Note phiên bản cũ và đa phần các app trên thị trường, thì sau khi người dùng ấn vào icon app, thường sẽ hiển thị quảng cáo Splash (quảng cáo toàn màn hình khi vào ứng dụng) rồi mới tới màn main và ghi chú.

Với người dùng, họ muốn khi ấn vào icon app sẽ vào ngay màn note để có thể note ngay lập tức. Tuy nhiên, ứng dụng của Eco Mobile chưa đáp ứng được điều đó, và phần nhiều ứng dụng của đối thủ cũng chưa làm được. 

Vậy nên, để khác biệt với đa số người dùng, các nhà phát triển của Eco Mobile đã làm thêm tính năng shortcut cho ứng dụng là Dynamic shortcuts và Static shortcuts, giúp người dùng có thể ghi chú ngay lập tức trong màn ghi chú mà không cần phải đi qua màn Splash và màn Main hay thao tác nhiều lần. 

2. Thử nghiệm bỏ Splash

Tuy nhiên, sau 1 thời gian thử nghiệm shortcut thì không được như kỳ vọng vì người dùng không sử dụng tính năng này quá nhiều. Vậy nên, có thể xác định rằng cản trở lớn nhất của người dùng chính là quảng cáo Splash. 

Từ đó, team tiếp tục tracking và nhận ra rằng: Thông thường, 1 user vào ứng dụng Note sẽ viết 3.23 note. Vậy nên, nếu cho hiển thị quảng cáo sau 3 lần note thì user vẫn sẽ nhìn thấy quảng cáo ít nhất 1 lần. Điều này hoàn toàn tương tự với hiệu quả quảng cáo Splash, mà lại giúp user vào được màn ghi chú nhanh nhất. 

Ngay sau khi có được kết quả nghiên cứu như trên, team đã bắt tay vào thử nghiệm. Team sử dụng Firebase để A/B testing giữa 2 trải nghiệm quảng cáo: 

  1. Trải nghiệm hiện có: Người dùng cần đi qua màn Splash, xem quảng cáo rồi mới vào tới màn Main và cuối cùng là màn Ghi Chú 

So sánh với:

  1. Trải nghiệm mới: người dùng đi qua màn Splash (cực nhanh) là đã vào tới màn Main rồi truy cập vào Ghi chú. Sau đó, họ ghi chú tới lần thứ 3 thì mới hiển thị quảng cáo. Điều này được thiết lập dựa trên tính toán trung bình 1 phiên 1 user sẽ vào màn ghi chú 3,26 lần 

Một điểm cộng của quảng cáo này chính là quảng cáo xuất hiện khi người dùng đã hoàn thành xong task, và cảm giác với quảng cáo sẽ bớt khó chịu hơn quảng cáo khi được đặt ở splash. Chưa kể, điều này hoàn toàn giải quyết được việc “muốn note nhanh” khi vào ứng dụng của người dùng

Luồng mới không có quảng cáo Splash của ứng dụng

Kết quả sau khi thử nghiệm Shortcut và bỏ quảng cáo Splash

Quảng cáo Splash luôn là một trong những quảng cáo mang lại doanh thu lớn nhất cho các app. Vậy nên, cho dù hiểu được rằng quảng cáo này sẽ gây cản trở và giảm trải nghiệm người dùng trong app nhưng rất ít nhà phát triển dám bỏ quảng cáo Splash đi vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Tuy nhiên, ví dụ này cũng sẽ cho thấy rằng việc bỏ Splash đúng không những không giảm doanh thu, mà thậm chí còn là một cách tăng trưởng doanh thu bền vững và hiệu quả.

Như đã nói ở trên, team sử dụng Firebase A/B testing, kết quả của thử nghiệm như sau:

  1. Về doanh thu: Ban đầu, doanh thu của luồng mới (bỏ Splash) có thấp hơn một chút, nhưng qua thời gian thì con số này là 29.652,03$ so với 29.043,62$ (gần như không có biến động nhiều) 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, thì doanh thu đã đạt 41.022,48$/ tháng

Doanh thu ứng dụng Note thời điểm hiện tại

Để hiểu tại sao doanh thu lại tăng trưởng dương 41% , hãy theo dõi cả những chỉ số sau: 

  1. DAU (Daily Active User – người dùng hàng ngày) tăng: từ 250.000 user lên 430.000 user
  2. MAU(Monthly Active User – người dùng hàng tháng) tăng: từ 2.100.000 user lên 2.800.000 user
  3. Thời gian sử dụng phiên: gần như không thay đổi dao động từ 4p30-5p00
  4. Retention D1 (Tỷ lệ user quay lại dùng app sau 1 ngày) tăng: từ 34% lên 43%
  5. LTV (LifeTime Value) tăng: từ 0,021$ lên 0,027$/user trong 28 ngày
Số liệu về người dùng
Số liệu về retention

Như vậy, cho dù quảng cáo Splash đã mất đi, nhưng có thể thấy được tất cả các chỉ số, đặc biệt là Retention, DAU và LTV đều có sự tăng đáng kể. Điều này cho thấy người dùng giữ app lâu hơn, sử dụng app nhiều hơn, nên lượt hiển thị quảng cáo cũng nhiều hơn, dẫn tới giá trị vòng đời người dùng cũng tăng. Chưa kể, cùng với những đánh giá tích cực từ phía người dùng, Google cũng có đánh giá tốt hơn về ứng dụng Note của Eco Mobile. Việc Scale app, thu traffic organic từ đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Vậy nên, cũng không khó hiểu khi doanh thu lại có sự tăng mạnh

Điều này chứng minh rằng: Việc thay đổi kịch bản quảng cáo chưa chắc đã khiến cho app tụt doanh thu. Nếu bạn làm đúng cách, mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt, tập trung vào phát triển chất lượng ứng dụng, nghiên cứu sâu bên trong app thì tối ưu doanh thu sẽ không còn khó khăn.

Kết luận:

Như đã nói ở trên, việc phát triển một ứng dụng không chỉ nằm ở việc bạn scale app như thế nào, tăng doanh thu ra sao, mà cốt lõi vẫn luôn nằm ở việc ứng dụng mang lại những giá trị gì cho cộng đồng, cho user. Để có được kết quả tốt, hãy luôn làm những điều tốt, mang lại giá trị thực sự cho người dùng, trái ngọt ắt sẽ đến với bạn.

Để tìm hiểu và thảo luận chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan tới phát triển Mobile App, tăng trưởng ứng dụng bền vững, mời bạn tham gia nhóm cộng đồng App Master TẠI ĐÂY

Cộng đồng App Master

Để theo dõi những thông tin mới nhất về Mobile App, hãy like fanpage Eco Mobile ngay TẠI ĐÂY nhé!